BẢN MÔ TẢ SÁNG KIẾN
I. THÔNG TIN CHUNG VỀ SÁNG KIẾN
1. Tên sáng kiến:
“Một số giải pháp chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy Tập làm văn nhằm nâng cao chất lượng viết văn miêu tả cho học sinh lớp 5.”
2. Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: Lĩnh vực chuyên môn.
3. Tác giả:
- Họ và tên: Nguyễn Thị Tri
- Ngày/tháng/năm sinh: 08/12/1971
- Chức vụ, đơn vị công tác: Phó hiệu trưởng - Trường Tiểu học Hùng Tiến.
- Điện thoại di động: 0906447988
4. Đồng tác giả: không có
5. Đơn vị áp dụng sáng kiến:
- Tên đơn vị: Trường Tiểu học Hùng Tiến
- Địa chỉ: Thôn Bắc Tạ - Hùng Tiến - Vĩnh bảo - Hải Phòng
- Điện thoại: 02253884553
II. Mô tả giải pháp đã biết
1. Ưu điểm
Trong hệ thống giáo dục quốc dân, bậc Tiểu học là bậc quan trọng trong việc đặt nền móng cho sự hình thành nhân cách của học sinh, trên cơ sở cung cấp những tri thức khoa học ban đầu về tự nhiên và xã hội, phát triển các năng lực nhận thức, trang bị những phương pháp và kĩ năng ban đầu về hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn, bồi dưỡng và phát huy tình cảm, thói quen, đức tính tốt đẹp của người Việt Nam. Mục tiêu đó đạt được thông qua việc dạy học các môn học và thực hiện các hoạt động có định hướng theo yêu cầu giáo dục. Trong các môn học ở Tiểu học, cùng với môn Toán, môn Tiếng Việt có vị trí rất quan trọng vì: Môn Tiếng Việt ở trường Tiểu học có nhiệm vụ:
- Hình thành và phát triển ở học sinh các kĩ năng sử dụng tiếng Việt (nghe, nói, đọc, viết ) để học tập và giao tiếp trong các môi trường hoạt động của lứa tuổi.
Thông qua việc dạy và học Tiếng Việt, góp phần rèn luyện các thao tác tư duy.
- Cung cấp cho học sinh những kiến thức sơ giản về Tiếng Việt; về tự nhiên, xã hội và con người; về văn hoá, văn học của Việt Nam và nước ngoài.
- Bồi dưỡng tình yêu Tiếng Việt và hình thành thói quen giữ gìn sự trong sáng, giàu đẹp của Tiếng Việt, góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chính vì vậy, việc dạy Tiếng ở tiểu học được coi trọng trên toàn thế giới. Ở Việt Nam ta, việc dạy Tiếng Việt trong những năm gần đây đã được đặt vào đúng vị trí của nó. Cụ thể là chương trình tiếng Việt chiếm 34,2% thời gian học tập của chương trình Tiểu học. Trong đó, phân môn Tập làm văn có nhiệm vụ rất quan trọng đối với quá trình giao tiếp của các em bởi vì hơn bất kì một phân môn nào khác, Tập làm văn mang tính chất thực hành, nó hội tụ được các yếu tố của quá trình giao tiếp. Giao tiếp của các em đạt đến độ hoàn thiện khi các em biết tạo lập một văn bản, hay chính là biết viết thành thạo một đoạn văn, một bài văn hay.
Đặc biệt phân môn Tập làm văn lớp 5 góp phần cùng các môn học khác mở rộng vốn sống, rèn luyện tư duy lô gíc, tư duy trừu tượng; bồi dưỡng tâm hồn, cảm xúc thẩm mĩ, hình thành nhân cách cho học sinh.
Trong thực tế giảng dạy môn Tiếng Việt ở lớp 5 cho thấy: Khi dạy phân môn Tập làm văn, giáo viên đã vận dụng các phương pháp dạy học nâng cao chất lượng viết văn cho học sinh, số học sinh có hứng thú làm văn tăng lên đáng kể.
2. Hạn chế
- Trong giảng dạy, nhiều giáo viên chưa hiểu hết được tầm quan trọng của việc rèn viết văn cho học sinh nhất là văn miêu tả. Vì vậy, việc rèn viết văn miêu tả cho học sinh chưa được chú trọng đúng mức.
- Giáo viên chưa quan tâm nhiều đến đổi mới phương pháp dạy học đối với phân môn Tập làm văn dẫn đến hiện tượng nhiều bài văn của học sinh thường sa vào liệt kê, kể lể các chi tiết. Kĩ năng dùng từ, viết câu của học sinh còn hạn nên nhiều câu văn còn lủng củng, lặp từ. Việc sử dụng các từ ngữ giàu hình ảnh, gợi tả, sử dụng các biện pháp nghệ thuật để diễn đạt câu văn ít học sinh làm được.
- Hầu hết giáo viên đều gặp khó khăn trong việc tìm ra giải pháp giúp học sinh viết một bài văn miêu tả sinh động, câu văn có hình ảnh, bài văn có cảm xúc. Bởi vì vốn sống và vốn từ ngữ của học sinh thì nghèo nàn, ý thức học hỏi của học sinh còn hạn chế... Bên cạnh đó, có giáo viên chưa thật tâm huyết với việc tìm tòi nghiên cứu, đầu tư suy nghĩ đổi mới phương pháp để nâng cao chất lượng viết văn cho học sinh.
- Một số em chỉ tập trung làm và học thuộc theo văn mẫu của thầy cô, thiếu sự chủ động và sáng tạo trong quá trình làm bài nên xảy ra hiện tượng nhiều bài văn giống nhau. Đó là lí do dẫn đến chất lượng làm văn của học sinh chưa cao.
- Một hạn chế hết sức bất cập nữa là nhiều em rất ngại học phân môn Tập làm văn nên bài viết của các em chưa có cảm xúc, trong bài văn chưa có hình bóng, hơi thở của các em trong đó. Hoặc nếu có thì đôi khi là những cảm xúc hết sức gượng ép, miễn cưỡng, thậm chí có bài viết còn sáo rỗng.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, tôi nghĩ rằng cần phải có những giải pháp chỉ đạo việc đổi mới phương pháp dạy Tập làm văn nhằm nâng cao chất lượng viết văn miêu tả cho học sinh lớp 5 trong trường Tiểu học.
III. Nội dung giải pháp đề nghị công nhận sáng kiến
III.1. Nội dung giải pháp đề nghị công nhận sáng kiến
Giải pháp 1. Nâng cao nhận thức cho giáo viên về tầm quan trọng của việc đổi mới phương pháp dạy học phân môn Tập làm văn nhằm nâng cao chất lượng viết văn miêu tả cho học sinh lớp 5
- Giúp giáo viên nhận thức rõ: Chất lượng viết văn miêu tả của học sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó vai trò của người giáo viên rất quan trọng. Dễ nhận thấy khi giáo viên thực sự quan tâm đến chất lượng làm văn của học sinh, xác định đúng mục đích yêu cầu của từng bài, lựa chọn phương pháp dạy học thích hợp, tăng cường cho các em hoạt động theo nhóm, trao đổi theo nhóm, trao đổi trước lớp giúp các em có cơ hội chia sẻ, đánh giá, học tập lẫn nhau. Từ đó các em sẽ có vốn kiến thức phong phú, biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo để viết được những đoạn văn, bài văn hay.
- Đối với việc tự bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên, yêu cầu chuyên sâu học tập, nghiên cứu các chuyên san, tài liệu bồi dưỡng giáo viên Tiểu học,...
- Bên cạnh đó, tôi trực tiếp dự giờ, tư vấn, rút kinh nghiệm cụ thể cho giáo viên.
- Yêu cầu mỗi giáo viên phải nắm vững mục tiêu, kiến thức, kĩ năng cơ bản, trọng tâm,… của từng tiết Tập làm văn nói chung và văn miêu tả nói riêng.
Giải pháp 2. Bồi dưỡng giáo viên về đổi mới phương pháp giảng dạy và ứng dụng công nghệ thông tin trong phân môn Tập làm văn nhằm nâng cao chất lượng viết văn miêu tả cho học sinh lớp 5
Để từng bước nâng cao chất lượng viết văn miêu tả cho học sinh lớp 5, tôi chỉ đạo tổ 4,5 tổ chức chuyên đề Đổi mới phương pháp dạy học phân môn Tập làm văn nói chung và Văn miêu tả nói riêng. Qua đó nhận xét, rút kinh nghiệm, chỉ ra những tồn tại cần khắc phục, đồng thời thống nhất với giáo viên về việc vận dụng linh hoạt phương pháp và hình thức tổ chức dạy học phát huy tính tích cực, chủ động, tự học, tự sáng tạo, tự học hỏi lẫn nhau, tự nhận xét, đánh giá bản thân và bạn bè qua các hoạt động học tập theo nhóm, hoạt động cả lớp, đồng thời phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Bên cạnh đó tôi cũng chia sẻ với giáo viên một số biện pháp dạy học sinh viết văn miêu tả mà mình đã nghiên cứu và thực hiện trong những năm trực tiếp giảng dạy để giáo viên vận dụng.
Chẳng hạn:
- Khi dạy thể loại văn miêu tả ở lớp 5 với những kiểu bài khác nhau, giáo viên phải hướng dẫn các em nắm được những yêu cầu chung và thấy rõ đặc điểm riêng của từng bài nhằm từng bước hình thành kiến thức và trau dồi kĩ năng viết đúng thể loại.
- Muốn miêu tả hay phải tập trung quan sát, phải có công quan sát và quan sát bằng nhiều giác quan.
+ Trước khi học sinh làm bài văn miêu tả, giáo viên ngoài việc giúp học sinh phân tích đề, xác định yêu cầu của đề cần phải giao nhiệm vụ rõ ràng cho học sinh quan sát, kết hợp ghi chép kết quả một cách cụ thể. Học sinh cần xác định: Quan sát đối tượng nào ? Vào thời điểm nào? Ở đâu? Nội dung cần quan sát những gì? Cách quan sát thế nào?
+ Việc tổ chức cho học sinh quan sát, tích lũy tư liệu để làm một bài văn cũng cần xác định rõ hình thức: Quan sát ở nhà để đến lớp trao đổi hay quan sát và trao đổi ngay tại lớp. Cả lớp cùng quan sát một đối tượng hay mỗi học sinh tự chọn và quan sát một đối tượng cụ thể của riêng mình.
Ví dụ: Trước tiết học “ Luyện tập tả cảnh” (Tập làm văn tiết 2 - Tuần 1)
“ Lập dàn ý bài văn tả cảnh một buổi sáng (hoặc trưa, chiều) trong vườn cây (hay trong công viên, trên đường phố, trên cánh đồng, nương rẫy)”, GV giao nhiệm vụ cho HS : đọc kĩ yêu cầu của đề bài, xác định đối tượng cần quan sát, quan sát, kết hợp ghi chép kết quả một cách cụ thể cảnh một buổi sáng (hoặc trưa, chiều) trong vườn cây (hay trên cánh đồng).
+ Học sinh được trực tiếp tiếp xúc với đối tượng, được hướng dẫn chu đáo về cách quan sát. Từ đó học sinh mới có thể làm bài văn đúng thực tế và miêu tả chân thực.
+ Quan sát giúp học sinh có nhiều hiểu biết cụ thể, sâu sắc. Ngoài ra, các em có thể đọc thêm sách báo để tham khảo cách quan sát, cách dùng từ, đặt câu, liên kết câu, liên kết đoạn hay lối diễn đạt có hình ảnh bằng các biện pháp tu từ...làm cơ sở, tiền đề cần thiết để sáng tạo thành bài văn của mình theo một phong cách và lối cảm nhận riêng mà không rập khuôn máy móc.
- Bài văn miêu tả phải có trọng tâm và chọn được những nét tiêu biểu.
+ Thông thường trọng tâm của văn miêu tả phụ thuộc vào yêu cầu của đề bài cho trước. Ví dụ: Tả ngoại hình của một người mà em thường gặp thì trọng tâm miêu tả là những nét tiêu biểu về ngoại hình của một người mà em thường gặp. Những nét về tính tình, hoạt động... chỉ là phụ không cần tả kĩ.
+ Tuy nhiên trọng tâm miêu tả còn phụ thuộc vào những đối tượng cụ thể với những nét đặc biệt của đối tượng đó. Ví dụ: Khi tả người bà kính yêu của mình, Mác - xim Go - rơ - ki đã chọn lọc những chi tiết tiêu biểu, đặc sắc về ngoại hình của bà để miêu tả: “ ... Tóc bà đen và dày kì lạ, phủ kín cả hai vai, xoã xuống ngực, xuống đầu gối. Một tay khẽ nâng mớ tóc dày lên và ướm trên tay, bà đưa một cách khó khăn chiếc lược thưa bằng gỗ vào mớ tóc dày…
…Khi bà mỉm cười, hai con ngươi đen sẫm nở ra, long lanh, dịu hiền khó tả- đôi mắt ánh lên những tia sáng ấm áp, tươi vui. Mặc dù trên đôi má ngăm ngăm đã có nhiều nếp nhăn, khuôn mặt của bà hình như vẫn tươi trẻ.”
+ Tả có trọng tâm và chọn được những nét tiêu biểu sẽ làm đối tượng được miêu tả sinh động, có những nét riêng độc đáo, gây ấn tượng cho người đọc. Giáo viên cần lưu ý học sinh khi miêu tả, đừng nên tham lam cái gì cũng tả, không tả dài dòng mà phải tìm hiểu, quan sát thật kĩ, nắm bắt cho được cái thần, cái hồn, cái đặc biệt của đối tượng để mà tả. Sau đó sử dụng ngôn ngữ vẽ nó lên trước mắt người đọc, gợi cho người đọc cùng cảm nhận, cùng suy nghĩ với mình. Song, lựa chọn những đặc điểm, những chi tiết nào để tả điều đó yêu cầu các em phải quan sát thật kĩ để có được những nhận xét tinh tế.
Ví dụ: Khi tả quang cảnh làng mạc ngày mùa, nhà văn Tô Hoài với nghệ thuật quan sát rất tinh tế, cách dùng từ gợi cảm, chính xác và đầy sáng tạo đã vẽ lên bằng lời một bức tranh làng quê vào ngày mùa toàn màu vàng với vẻ đẹp đặc sắc và sống động: “Mùa đông, giữa ngày mùa, làng quê toàn màu vàng - những màu vàng rất khác nhau.
… Màu lúa chín dưới đồng vàng xuộm lại. Nắng nhạt ngả màu vàng hoe. Trong vườn lắc lư những chùm quả xoan vàng lịm không trông thấy cuống, như những chuỗi tràng hạt bồ đề treo lơ lửng. Từng chiếc lá mít vàng ối. Tàu đu đủ, chiếc lá sắn héo lại mở năm cánh vàng tươi. Buồng chuối đốm quả chín vàng… Bụi mía vàng xọng, đốt ngầu phấn trắng. Dưới sân, rơm và thóc vàng giòn. Quanh đó, con gà, con chó cũng vàng mượt. Mái nhà phủ một màu rơm vàng mới… Tất cả đượm một màu vàng trù phú, đầm ấm lạ lùng…”
- Bài văn miêu miêu tả phải bộc lộ được cảm xúc chân thành của người viết.
Miêu tả là dùng lời văn có hình ảnh làm hiện ra trước mắt người đọc (người nghe) bức tranh cụ thể về một người, cảnh vật, con vật, đồ vật, cây cối đã làm ta chú ý và có cảm xúc sâu sắc. Do vậy bài văn miêu tả trước hết phải mang tính chân thực. Dạy cho học sinh miêu tả chân thực thì trước hết phải yêu cầu tả đúng thực tế. Nghĩa là thông qua việc quan sát trực tiếp bằng nhiều giác quan, học sinh lựa chọn từ ngữ thích hợp diễn tả đúng đối tượng tránh làm cho người đọc không hình dung được người, cảnh vật, con vật, đồ vật, cây cối mà mình tả.
- Bài văn miêu tả phải có trình tự hợp lí.
Để giúp học sinh đọc (nghe) tái hiện được đối tượng tả một cách chân thực, sinh động, bài văn miêu tả phải tuân theo trình tự hợp lý tức là phải đảm bảo tính lô gíc (tả khái quát hình dáng, tả những đặc điểm nổi bật, tả hoạt động...) hoặc tả theo mạch diễn biến tình cảm của con người. Khi đã nắm được trình tự trên học sinh có thể vận dụng linh hoạt trong việc thực hiện bài viết.
- Bài văn miêu tả phải diễn đạt bằng các hình ảnh sinh động, gợi tả, gợi cảm.
Yêu cầu này liên quan đến việc sử dụng từ ngữ, rèn luyện cách dùng từ, cách đặt câu và sử dụng các biện pháp tu từ.
Để làm cho đối tượng được miêu tả hiện lên rõ nét, sinh động, lời văn tả phải cụ thể trong sáng, cách diễn đạt rành mạch, câu văn diễn đạt trọn ý, sử dụng các biện pháp tu từ ( nhân hoá, so sánh...) để đối tượng được tả trở nên rõ nét và sinh động. Ví dụ : Khi tả đàn bò đang gặm cỏ, nhà văn Hồ Phương quan sát tinh tế để vẽ lại sinh động hình ảnh đàn bò háo hức ăn cỏ ; sử dụng phép nhân hoá để thể hiện tính nết của từng con vật khiến cho những con vật trở nên gần gũi như những con người : “Cả đàn bò rống lên sung sướng. “Ò ò”, đàn bò reo lên. Chúng nhảy cỡn lên, xô nhau chạy.
Con Nâu đứng lại, cả đàn đứng theo. Tiếng gặm cỏ bắt đầu trào lên như một nong tằm ăn rỗi khổng lồ. Con Ba Bớp vẫn phàm ăn tục uống nhất, cứ thúc mãi mõm xuống, ủi cả đất lên mà gặm… Cu Tũn dở hơi chốc chốc lại chạy tới ăn tranh mảnh cỏ của mẹ. Chị Vàng lại dịu dàng nhường cho nó và đi kiếm một bụi khác...” Như vậy, khi sử dụng biện pháp so sánh, nhân hoá trong văn miêu tả, người đọc, người nghe sẽ hình dung dễ hơn, đối tượng được tả trở nên rõ nét, sinh động hơn. Trong văn miêu tả cũng nên sử dụng biện pháp nhân hóa. Chúng có thể nhân hóa theo nhiều cách. Nhân hóa để tả bên ngoài. Ví dụ: “Hết mùa hoa chim chóc cũng vãn. Cây gạo chấm dứt những ngày tưng bừng ồn ã, lại trở về với dáng vẻ xanh mát, trầm tư. Cây đứng im cao lớn, hiền lành”.
Ngoài ra còn sử dụng phép nhân hóa để tả tâm trạng. Chẳng hạn: “Đó là một cây sồi lớn, hai người ôm không xuể, có những cành có lẽ đã gãy từ lâu, vỏ cây nứt nẻ đầy vết sẹo. Với những cánh tay to xù xì không cân đối, với những ngón tay quều quào xòe rộng, nó như một con quái vật già nua cau có và khinh khỉnh đứng giữa đám bạch dương tươi cười”.
Rõ ràng, việc sử dụng biện pháp nhân hóa làm cho đối tượng trở nên gần gũi hơn, sinh động hơn và đáng yêu hơn rất nhiều.
Với học sinh Tiểu học, việc sử dụng hai biện pháp nghệ thuật này rất hấp dẫn các em. Bởi vì dưới con mắt trẻ thơ mọi vật đều đẹp, đều đáng yêu. Cùng một sự vật, một đặc điểm mỗi em lại có thể so sánh một cách khác mà cách nào ta cũng có thể chấp nhận được trừ việc so sánh quá vênh.
- Ngoài việc sử dụng các biện pháp nhân hóa, so sánh học sinh cần diễn đạt bằng lời văn sinh động gợi tả, gợi cảm.
Để làm cho đối tượng miêu tả hiện lên rõ nét và sinh động, giáo viên lưu ý học sinh diễn đạt lời văn phải cụ thể, từ ngữ phải gợi tả, gợi cảm giàu hình ảnh. Ví dụ: “Đứng ngắm cây sầu riêng, tôi cứ nghĩ mãi về cái dáng cây kì lạ này. Thân nó khẳng khiu, cao vút, cành ngang thẳng đuột, thiếu cái dáng cong, dáng nghiêng, chiều quằn, chiều lượn của cây xoài, cây nhãn”.
Qua ví dụ, giáo viên giúp học sinh thấy được: so với câu văn kể, câu văn miêu tả thường sử dụng nhiều từ gợi tả âm thanh, hình ảnh, từ láy... nói chung, để tăng sức gợi tả, gợi cảm.
- Song song với việc hướng dẫn các em nắm được những yêu cầu chung và thấy rõ đặc điểm riêng từng bài nhằm từng bước hình thành kiến thức và trau dồi kĩ năng viết đúng thể loại, giáo viên cần lưu ý:
+ Mỗi tiết dạy đều có yêu cầu cụ thể, gắn với một đề bài cụ thể, nhưng đồng thời lại đòi hỏi phải có yêu cầu khái quát hóa cho từng kiểu bài và từng bước vận dụng phương pháp chung ở các kiểu bài tập làm văn. Ở mọi tiết tập làm văn giáo viên cần hướng dẫn các em biết quan sát tìm ý, tìm ra những đặc điểm tiêu biểu, điển hình để tả, tránh lan man không cần thiết. Từ những ý lộn xộn đó, giáo viên hướng dẫn các em sắp xếp theo một trình tự hợp lý, lôgíc. Biết mạnh dạn tự nhiên trình bày lại những ý đó và cuối cùng là tạo lập một văn bản hoàn chỉnh.
+ Thường xuyên lưu ý các em về cách trình bày, lỗi chính tả, dùng từ, diễn đạt câu.
- Rèn kỹ năng qua từng tiết học:
+ Rèn kĩ năng tìm hiểu đề: Ở giai đoạn này, nhiệm vụ của giáo viên là phải rèn luyện cho học sinh các thao tác phân tích đề bài để xác định yêu cầu của đề bài (Bài văn thuộc thể loại văn gì? Nội dung bài văn là gì? Kiểu bài văn? Trọng tâm?)
+ Rèn kĩ năng quan sát, tìm ý: Giáo viên cần giúp học sinh biết quan sát để làm văn và quan sát tìm hiểu khoa học có mục đích khác nhau.
Mục đích quan sát khoa học là tìm ra công cụ cấu tạo của sự vật, đặc điểm, tính chất của hiện tượng.
Quan sát văn học là tìm ra màu sắc, âm thanh, hình ảnh tiêu biểu và cảm xúc của người đối với sự vật.
+ Quan sát bằng nhiều giác quan:
Quan sát bằng mắt: nhận ra màu sắc, hình khối, sự vật.
Quan sát bằng tai: âm thanh, nhịp điệu gợi cảm xúc.
Quan sát bằng mũi: những mùi vị tác động đến tình cảm.
Quan sát bằng vị giác và xúc giác: quan sát cảm nhận.
Nhờ cách quan sát này mà các em ghi nhận được nhiều ý, giúp cho bài văn đa dạng, phong phú.
+ Quan sát tỉ mỉ nhiều lượt: Muốn tìm ý cho bài văn học sinh phải quan sát kĩ, quan sát nhiều lần. Học sinh cần xác định rõ trình tự quan sát và biết lựa chọn các trình tự quan sát khác nhau:
Trình tự không gian: Quan sát từ trên xuống dưới hoặc từ dưới lên trên. Từ trái sang phải hay từ ngoài vào trong.
Trình tự thời gian: Quan sát từ sáng đến tối, từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc.
Trình tự tâm lí: Thấy nét gì nổi bật thu hút bản thân, gây cảm xúc thì quan sát trước.
Giáo viên phải hướng dẫn học sinh tìm được những nét tiêu biêủ của đối tượng mình tả. Không cần đủ chi tiết về sự vật, chỉ cần ghi chép lại những đặc điểm mà mình cảm nhận sâu sắc nhất để tạo ra hứng thú, cảm xúc giúp học sinh dễ dàng tìm từ, chọn ý. Từ đó giúp học sinh miêu tả sinh động và hấp dẫn.
- Rèn kĩ năng phát triển từ ngữ miêu tả: Để rèn cho học sinh kĩ năng phát triển từ ngữ miêu tả cần tích hợp việc dạy Tập làm văn trong những tiết Tập đọc. Nếu nội dung bài đọc hoặc một số từ ngữ trong bài giáo viên thấy học sinh có thể vận dụng vào bài viết của mình, giáo viên sẽ nhấn mạnh với các em.
VD: Qua bài Tập đọc “Sầu riêng” giáo viên sẽ nhấn mạnh cho học sinh những từ ngữ miêu tả hình dáng thân cây sầu riêng: khẳng khiu”, “thẳng đuột”...Từ đó học sinh có thể vận dụng cách sử dụng từ ngữ khi miêu tả những loại cây khác. Hay trong bài “Con sẻ” học sinh sẽ nhận ra một số từ ngữ giàu hình ảnh dùng để miêu tả con vật như “vàng óng”, "nhúm lông tơ”,“ lông dựng ngược”,
“ mõm há rộng đầy răng”,...
Một hình ảnh sống động sẽ giúp bài văn miêu tả có được sự chú ý, thích thú từ người đọc. Vì thế, giáo viên nên giúp học sinh có thói quen sử dụng hình ảnh trong thể loại miêu tả. Việc dùng hình ảnh này giúp chúng ta nhìn sự vật bằng một cái nhìn mới, tuy nhiên cũng tránh lạm dụng việc sử dụng hình ảnh.
Cùng với phân môn Tập làm văn, các phân môn Tập đọc, Luyện từ và câu cũng có thể làm giàu vốn từ ngữ cho học sinh.
Việc tổ chức trò chơi học tập cũng là một biện pháp sinh động để cho học
sinh bồi dưỡng vốn từ.
- Rèn kĩ năng làm văn miệng cho học sinh:
Chương trình Tập làm văn lớp 5 không có tiết làm văn miệng riêng nên tích hợp dạy học sinh làm văn miệng trong những tiết kể chuyện có liên quan:
VD: Kể chuyện “Kể chuyện về một lần em được đi thăm cảnh đẹp ở địa phương em hoặc ở nơi khác”. Giáo viên chú ý sửa cho học sinh cách diễn đạt thành câu, thành đoạn chuyện, câu chuyện. Từ đó, học sinh sẽ có sự hình dung sơ lược hình thức của một bài văn miêu tả.
- Rèn kĩ năng viết: Viết là một quá trình có nhiều giai đoạn đòi hỏi giáo viên phải thường xuyên rèn cho học sinh.
+ Viết nháp ở nhà: Học sinh sẽ tự chuẩn bị một đoạn, một bài. Giáo viên chú ý nhắc nhở học sinh vận dụng các biện pháp tu từ đã học như so sánh, nhân hóa nhằm phát triển trí tưởng tượng, sáng tạo ở học sinh.
VD: Chú mèo có cái đầu tròn như quả bóng. Đôi mắt tròn xoe, xanh biếc như thủy tinh, đưa qua, đưa lại rất nhanh,...
+ Giáo viên tổ chức cho học sinh đọc sửa văn bản viết nháp của mình theo hình thức nhóm (nhóm đôi, nhóm 4) trong khoảng thời gian trước khi viết bài. Học sinh sẽ trao đổi nhận xét và rút kinh nghiệm về bài viết của mình.
+ Dựa vào bài viết nháp đã sửa, học sinh sẽ viết thành bài hoàn chỉnh.
+ Rèn kĩ năng nhận xét, phát hiện lỗi sai và học tập những điều bổ ích trong bài viết (nhận xét trong nhóm, nhận xét trước lớp). Kĩ năng này là kĩ năng khá quan trọng thường được rèn nhiều trong các bài trình bày miệng và tiết trả bài viết. Khi giáo viên đưa ra những lỗi điển hình, tiêu biểu lên bảng, học sinh sẽ thảo luận tìm ra cách chữa lỗi:
VD: Tìm cách chữa lại cho câu văn có hình ảnh, sinh động hơn.
Chữa lại cho câu văn có đủ ý.
Lược bỏ bớt từ ngữ thừa trong câu cho câu ngắn gọn, diễn đạt súc tích hơn.
Tìm từ thay vào từ dùng sai để cho hợp nghĩa,...
+ Giáo viên đọc một số bài viết tốt hoặc một số đoạn văn hay của học sinh trong lớp hoặc của một số tài liệu tham khảo. Học sinh sẽ nhận xét bài văn, đoạn văn hay ở điểm nào? Vì sao? Qua đó phát triển khả năng tư duy nhận xét ở học sinh.
VD: Học sinh biết nhận xét câu văn “ Lá bàng to hơn bàn tay người lớn và có màu xanh đậm" không hay bằng câu văn “ Khi có một cơn gió nhẹ thổi qua, những chiếc lá bàng màu xanh như những chiếc quạt xinh xinh khẽ rung rinh vẫy chào chúng em.” Vì câu văn thứ hai có hình ảnh so sánh giúp cho nội dung xúc tích hơn, hấp dẫn người đọc hơn,...
+ Đối với học sinh khả năng làm bài chưa tốt, các em vẫn được rèn các kĩ năng nói trên nhưng mức độ đòi hỏi không quá cao để tránh sự nhàm chán ở các em. Trong giờ dạy, nếu các em biết đặt một câu văn đầy đủ bộ phận hoặc có những nhận xét, câu trả lời tương đối phù hợp thì giáo viên phải có sự tuyên dương, động viên kịp thời để các em phấn khởi, hứng thú học tập. Đồng thời giáo viên phải đặc biệt quan tâm theo dõi để sửa chữa các lỗi sai ở bài viết của đối tượng học sinh này, giúp các em phải viết được bài viết theo yêu cầu của bài văn miêu tả dù nội dung còn sơ sài, không hấp dẫn.
- Thực hiện nghiêm túc tiết trả bài:
+ Mỗi loại bài thường dành một tiết kiểm tra để học sinh thực hành viết văn, quá trình thực hành ấy cần được xem xét, đánh giá rút kinh nghiệm thật cẩn thận, nghiêm túc thì mới có tác dụng rèn kĩ năng viết văn cho học sinh, tổ chức rút kinh nghiệm thực hiện tiết trả bài chính là thực hiện khâu cuối cùng "kiểm tra, đánh giá "nhằm mục đích giúp học sinh hiểu được những nhận xét chung của giáo viên và kết quả bài viết của cả lớp để liên hệ với bài làm của mình giúp học sinh biết sửa lỗi dùng từ, ngữ pháp, diễn đạt, chính tả, bố cục bài của mình và của các bạn, từ đó học sinh có thể học hỏi những câu văn, đoạn văn hay của bạn. Với mục đích như vậy thì tiết trả bài không thể làm qua loa đại khái, càng không thể bớt xén thời lượng.
+ Trong tiết trả bài, ngoài việc tiến hành các trình tự như trong sách bài soạn đã hướng dẫn, giáo viên cần thay đổi hình thức hoạt động để học sinh đỡ nhàm chán. Sau phần giáo viên nhận xét chung, giáo viên cần chữa lỗi cho học sinh theo từng loại lỗi thống kê khi chấm bài và nêu các câu văn, đoạn văn hay đã chuẩn bị trước. Sau đó, giáo viên trả bài và có thể tổ chức cho học sinh thảo luận theo nhóm (nhóm đôi, nhóm bốn) để các em trao đổi với bạn về cách làm bài của mình, đọc cho nhau nghe các câu hoặc giúp nhau sửa lỗi trong bài làm. Từ đó học sinh sẽ thấy rõ ưu, nhược điểm trong bài làm của mình, của bạn và biết tự sửa chữa hoặc viết lại đoạn văn của mình cho đạt yêu cầu. Sau những trao đổi như vậy cũng sẽ giúp học sinh tránh được những lỗi không đáng có trong thực hành viết văn và trong cả giao tiếp hàng ngày.
Giải pháp 3. Chỉ đạo giáo viên đánh giá học sinh theo hướng động viên, khuyến khích, ghi nhận sự tiến bộ hàng ngày của từng học sinh, giúp các em cảm thấy tự tin và hứng thú với các hoạt động học tập.
Chỉ đạo giáo viên thực hiện đánh giá học sinh thường xuyên và định kì theo đúng thông tư 22/2016-BGD ĐT, ngày 22/9/2016 của Bộ Giáo dục Đào tạo, theo hướng động viên, khuyến khích, ghi nhận sự tiến bộ hàng ngày của từng học sinh, chỉ ra những hạn chế mà các em cần khắc phục giúp các em cảm thấy tự tin và hứng thú với các hoạt động học tập. Từ đó các em sẽ nỗ lực phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nội dung yêu cầu của các bài học, môn học, góp phần nâng cao chất lượng học tập nói chung và chất lượng viết văn nói riêng, đặc biệt là chất lượng viết văn miêu tả.
III.2. Tính mới, tính sáng tạo
Việc áp dụng một số giải pháp chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy Tập làm văn lớp 5 đã thể hiện rõ sự đổi mới, sáng tạo trong công tác giảng dạy của giáo viên. Cụ thể:
- Tăng cường nhận thức của giáo viên về việc đổi mới phương pháp dạy học nâng cao chất lượng viết văn miêu tả cho học sinh lớp 5.
- Bồi dưỡng giáo viên để đổi mới phương pháp giảng dạy và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng viết văn miêu tả cho học sinh lớp 5. Giáo viên giúp học sinh nhận biết được:
+ Muốn miêu tả hay phải tập trung quan sát, phải có công quan sát và quan sát bằng nhiều giác quan.
+ Bài văn miêu tả phải có trọng tâm và chọn được những nét tiêu biểu.
+ Bài văn miêu miêu tả phải bộc lộ được cảm xúc chân thành của người viết.
+ Bài văn miêu tả phải diễn đạt bằng các hình ảnh sinh động, gợi tả, gợi cảm.
+ Ngoài việc sử dụng các biện pháp nhân hóa, so sánh học sinh cần diễn đạt bằng lời văn sinh động gợi tả, gợi cảm.
- Thực hiện nghiêm túc tiết trả bài:
- Chỉ đạo giáo viên đánh giá học sinh theo hướng động viên, khuyến khích, ghi nhận sự tiến bộ hàng ngày của từng học sinh, giúp các em cảm thấy tự tin và hứng thú với các hoạt động học tập
- Bồi dưỡng giáo viên để đổi mới phương pháp giảng dạy và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng viết văn miêu tả cho học sinh lớp 5.
- Xây dựng, hình thành và rèn luyện cho học sinh các thao tác phân tích đề bài, tìm hiểu, xác định yêu cầu của đề bài, rèn cho học sinh kĩ năng quan sát, tìm ý, lập dàn bài, rèn kĩ năng diễn đạt qua việc dùng từ đặt câu, viết đoạn, hình thành bài văn hoàn chỉnh khi nói và viết.
- Khuyến khích, động viên để các em học sinh không ngại học phân môn Tập làm văn, có hứng thú và say mê với phân môn này.
- Chấm dứt tình trạng học sinh học thuộc văn mẫu.
III.3. Phạm vi ảnh hưởng, khả năng áp dụng, nhân rộng
Các giải pháp chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy Tập làm văn nhằm nâng cao chất lượng viết văn miêu tả cho học sinh lớp 5 mà tôi đưa ra có thể áp dụng rộng rãi trong tất cả các trường Tiểu học trong toàn huyện và thành phố.
III.4. Hiệu quả, lợi ích thu được do áp dụng giải pháp
Việc đổi mới phương pháp dạy học phân môn Tập làm văn nâng cao chất lượng viết văn miêu tả cho học sinh lớp 5 nói riêng cũng như chất lượng viết văn của học sinh nói chung không những không gây tốn kém về tiền của mà còn mang lại nhiều lợi ích về kinh tế. Bởi lẽ việc nâng cao chất lượng viết văn miêu tả cho học sinh lớp 5 nói riêng cũng như chất lượng viết văn của học sinh nói chung góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy trong nhà trường, đồng thời trình độ đội ngũ cũng được nâng lên. Chính vì vậy sẽ thu hút được sự quan tâm động viên, cổ vũ, đầu tư của các cấp, các ngành, các lực lượng trong và ngoài nhà trường. Họ sẵn sàng chung tay, góp sức lực, trí tuệ và kinh phí để chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ. Hơn nữa đây còn là cơ hội xây dựng và quảng bá thương hiệu của nhà trường.
Mặt khác nâng cao chất lượng viết văn còn giúp học sinh trong cuộc sống diễn đạt lưu loát, thể hiện rõ nội dung mình cần điễn đạt, giúp các em tự tin trong cuộc sống.
Giáo viên đã đầu tư cho tiết dạy, có chú ý vận dụng việc đổi mới phương pháp trong quá trình soạn giảng, xác định chính xác mục tiêu, kiến thức và kĩ năng, trọng tâm cơ bản của bài dạy, và phối hợp linh hoạt các phương pháp và hình thức dạy học, tổ chức được các hoạt động học tập cho học sinh, giúp học sinh chiếm lĩnh tri thức, rèn luyện kĩ năng một cách chủ động, nhất là kỹ năng quan sát khi viết văn miêu tả. Nhiều học sinh đã tham gia vào các hoạt động học một cách hăng hái, biết hỗ trợ nhau hoàn thành công việc chung. Học sinh nghe, đọc, nói viết một cách chủ động và tự giác; biết trình bày vấn đề một cách lưu loát, tự tin. Giờ học nhẹ nhàng hơn, tự nhiên hơn, hiệu quả hơn.
Các em yêu thích phân môn Tập làm văn. Bài viết của nhiều em giàu hình ảnh, cảm xúc. Trong bài văn có hình bóng, hơi thở của các em trong đó.
Chất lượng phân môn Tập làm văn lớp 5 được nâng lên rõ rệt và thể hiện rõ nét trong năm học 2020-2021 và học kỳ I năm học 2021-2022: 99% học sinh đạt điểm trung bình trở lên, trong đó 88% học sinh đạt điểm khá, giỏi.
Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy học tập làm văn cho học sinh lớp 5 thì chất lượng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, chất lượng dạy và học trong nhà trường cũng được nâng lên rõ rệt, đảm bảo mục tiêu Giáo dục đào tạo của ngành, góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, ổn định, phồn vinh, xây dựng đất nước giàu đẹp.
|
TÁC GIẢ SÁNG KIẾN
Nguyễn Thị Tri
|