BẢN MÔ TẢ SÁNG KIẾN
I. THÔNG TIN CHUNG VỀ SÁNG KIẾN
1. Tên sáng kiến: “Biện pháp tích hợp liên môn, góp phần phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh lớp 5 trong học văn miêu tả”.
2. Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: Lĩnh vực chuyên môn.
3. Tác giả:
Họ và tên: Vũ Thị Oanh
Ngày/tháng/năm sinh:
Chức vụ, đơn vị công tác: Trường tiểu học Hùng Tiến.
Điện thoại: DĐ:
4. Đơn vị áp dụng sáng kiến:
Tên đơn vị: Trường tiểu học Hùng Tiến.
Địa chỉ: Xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng.
II. MÔ TẢ GIẢI PHÁP ĐÃ BIẾT
1. Mô tả giải pháp đã biết
Hiện nay, chúng ta đang trong xu thế hội nhập nền kinh tế quốc tế, việc “Bồi dưỡng nhân tài” là một trong những yếu tố để chúng ta có thể tiếp cận với sự tiến bộ của khoa học công nghệ các nước trong khu vực và trên thế giới cùng với đó chúng ta đang triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và thực hiện thay sách. Chính vì thế mà giáo viên cần cố gắng hướng đến sự phát triển tối đa những năng lực, phẩm chất của mỗi học sinh.
Trong thực tế giảng dạy, để đạt được mục tiêu đề ra thật không dễ dàng. Qua những năm trực tiếp giảng dạy lớp 5, thực tế tôi nhận thức rõ các phân môn tập đọc, chính tả, luyện từ và câu, tập làm văn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
Phân môn Tập làm văn là phân môn mang tính tổng hợp cao nhất và là một phân môn rất quan trọng trong chương trình dạy học Tiểu học, nó không chỉ giúp học sinh hình thành các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết mà còn rèn cho học sinh khả năng giao tiếp, quan sát, phân tích tổng hợp và đặc biệt còn hình thành cho học sinh những phẩm chất tốt đẹp của con người mới hiện đại và năng động. Dạy Tập làm văn là dạy học sinh cách nhìn nhận cuộc sống xung quanh trong thực tế vốn có của nó với cảm xúc thực của các em. Đồng thời cũng dạy các em cách ghi lại sự nhìn nhận ấy qua các văn bản - còn gọi là đoạn văn, bài văn một cách chính xác về đối tượng, về ngữ pháp Tiếng Việt.
Với học sinh lớp 5, việc dạy kĩ năng làm văn miêu tả cho các em là cần thiết. Học tốt văn miêu tả sẽ là điều kiện thuận lợi để học tốt các môn học khác ở Tiểu học và học tiếp lên các lớp trên. Việc giúp các em hoàn thành tốt bài văn miêu tả sẽ góp phần nâng cao năng lực cảm thụ văn học mà còn giúp các em khám phá được những cái đẹp qua việc xây dựng văn bản.
Vậy dạy như thế nào có hiệu quả, tôi đã thực hiện tích hợp liên môn trong dạy văn miêu tả cho học sinh lớp 5 nhằm phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, đó là lý do tôi chọn đề tài “Dạy tích hợp liên môn góp phần phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh lớp 5 học văn miêu tả”.
2. Thực trạng giải pháp đã biết
a) Ưu điểm giải pháp đã biết: Qua nhiều năm giảng dạy lớp 5, tôi đã đưa ra và trải nghiệm nhiều biện pháp giảng dạy đối với phân môn Tập làm văn ở trường tôi, huyện tôi, đó là: Tìm hiểu kĩ mục tiêu, nội dung bài dạy rồi soạn bài, lên lớp truyền đạt đầy đủ những nội dung mà mục tiêu yêu cầu, kết hợp nhiều phương pháp, hình thức tổ chức thích hợp nhằm phát huy tính tích cực của học sinh.
- Trong giảng dạy tôi cũng đã mở rộng nội dung bài dạy cho phù hợp với nhiều đối tượng học sinh, học tập thực hành phù hợp để ôn tập kiến thức và kĩ năng trong từng giai đoạn học tập của học sinh. Nhìn chung, học sinh có hứng thú học tập, cơ bản học sinh đều hiểu bài và làm văn khá tốt, biết cách trình bày bố cục và diễn đạt văn.
b) Hạn chế, bất cập của các giải pháp đã biết: Những giải pháp đã áp dụng trước đây đã có những thay đổi về việc giảng dạy của giáo viên cũng như học tập của học sinh, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại, đó là:
- Học sinh chưa xác định được trọng tâm đề bài cần miêu tả.
- Nhiều em thường liệt kê, kể lể dài dòng, diễn đạt vụng về, lủng củng. Nhiều em chưa biết dừng lại để nói kĩ một vài chi tiết cụ thể nổi bật.
- Các em chưa biết cách dùng các biện pháp nghệ thuật khi miêu tả.
Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng làm văn của học sinh còn hạn chế?
- Khi làm văn, học sinh chưa xác định được yêu cầu trọng tâm của đề bài.
- Học sinh không được quan sát trực tiếp đối tượng miêu tả.
- Khi quan sát giáo viên không hướng dẫn học sinh kĩ năng quan sát: quan sát những gì, quan sát từ đâu? Làm thế nào phát hiện được nét tiêu biểu của đối tượng cần miêu tả.
- Không biết hình dung bằng hình ảnh, âm thanh, cảm giác về sự vật miêu tả khi quan sát. Vốn từ nghèo nàn, không biết sắp xếp như thế nào để bài viết mạch lạc, chưa diễn đạt được bằng vốn từ ngữ, ngôn ngữ của mình về một sự vật, cảnh vật, về một con người cụ thể nào đó.
III. NỘI DUNG GIẢI PHÁP ĐỀ NGHỊ CÔNG NHẬN SÁNG KIẾN
Từ ưu điểm, tồn tại của giải pháp đã biết, tôi đưa ra một số giải pháp đề nghị công nhận sáng kiến như sau:
III.1. Nội dung giải pháp đề nghị công nhận sáng kiến
Các nội dung biện pháp đã và đang được áp dụng như sau:
1. Biện pháp 1: Giáo viên cần nhận thức được giá trị cốt lõi trong từng phân môn để tạo nên một bài văn hay
* Thành phần văn trong phân mônTập đọc:
Tập đọc là phân môn quan trọng nhất trong hoạt động dạy tích hợp kiến thức văn cho HS. Những văn bản mà SGK lựa chọn sử dụng trong chương trình rất phong phú nhưng hầu hết là các văn bản nghệ thuật, gồm nhiều thể loại (văn học Việt Nam, văn học nước ngoài, truyện cổ tích, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn, thơ, ca dao tục ngữ,…)
* Ví dụ:
- Bài Dế Mèn bênh vực kẻ yếu (TV 4-Tập 1-Trang 4, 15)
Đây là một đoạn trích trong tác phẩm nổi tiếng Dế Mèn phiêu lưu kí
của nhà văn Tô Hoài. Tác phẩm kể về những cuộc phiêu lưu của chú Dế Mèn.
Nhà văn Tô Hoài viết truyện từ năm 1941 được in lại nhiều lần và đã được
đông đảo bạn đọc thiếu nhi trong nước và quốc tế yêu thích.
- Bài Ca dao về lao động sản xuất (TV5-Tập 1-Trang 168).
Đây là tổng hợp một số câu ca dao về lao động trên đồng ruộng, một
nghề nặng nhọc. Người nông dân đã phải vô cùng vất vả để làm ra hạt gạo
cho mọi người.
Trong phân môn Tập đọc, tôi nhận thấy, định hướng khai thác thành phần văn còn thể hiện ở hệ thống câu hỏi tìm hiểu bài. HS được diễn đạt, bộc lộ suy nghĩ và cảm xúc của mình khi trả lời các câu hỏi và bài tập. Hệ thống câu hỏi cuối
mỗi bài giúp HS nắm được nội dung của bài học, phát hiện các từ quan trọng,
những từ mới cần giải nghĩa, phát hiện các hình ảnh, chi tiết có giá trị tiêu
biểu, hiểu được nội dung, ý nghĩa, lời khuyên của bài. Sự thông hiểu nội dung
sẽ chi phối trở lại tạo ra một cách đọc có chất lượng hơn. Có những bài là
trích đoạn của các tác phẩm lớn nhưng hệ thống câu hỏi khai thác bài phù hợp
với trình độ nhận thức của từng khối lớp. Từ đó, HS hiểu được chất văn chứa
đựng trong mỗi tác phẩm. Hệ thống câu hỏi tìm hiểu bài bao gồm những câu hỏi tái hiện (yêu cầu thuật lại câu chữ, hình ảnh, chi tiết,… trong bài học) và câu hỏi suy luận (yêu cầu phán đoán, phân tích, tổng hợp, nêu ý kiến riêng,…).
* Ví dụ: Bài “Mẹ ốm” (TV4-tập 1)
1. Em hiểu những câu thơ sau muốn nói lên điều gì?
Lá trầu khô giữa cơi trầu
Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay
Cánh màn khép lỏng cả ngày
Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa.
2. Sự quan tâm chăm sóc của xóm làng đối với mẹ của bạn nhỏ được thể
hiện qua những câu thơ nào?
3. Những chi tiết nào trong bài thơ bộc lộ tình yêu thương sâu sắc của
bạn nhỏ đối với mẹ?
* Ngoài ra, định hướng rèn luyện năng lực văn trong phân môn Tập đọc còn thể hiện rõ nét ở phần “Luyện đọc diễn cảm”. Đọc diễn cảm là một yêu
cầu đặt ra khi đọc những văn bản văn chương hoặc có các yếu tố của ngôn ngữ nghệ thuật. Đó là việc đọc thể hiện ở kĩ năng làm chủ ngữ điệu, chỗ
ngừng giọng, cường độ giọng v.v... để biểu đạt đúng ý nghĩ và tình cảm mà tác giả gửi gắm trong bài đọc, đồng thời biểu hiện được sự thông hiểu, cảm
thụ của người đọc đối với tác phẩm.
* Thành phần văn trong phân môn Kể chuyện
Cũng giống như phân môn Tập đọc, chất văn trong phân môn Kể chuyện cũng thể hiện ở ngữ liệu bài học là những câu chuyện hấp dẫn, cảm
động, giàu ý nghĩa. Phần lớn những câu chuyện được đưa vào chương trình là những tác phẩm văn học, là hệ thống các tác phẩm truyện kể trong nước và
quốc tế phù hợp với lứa tuổi. Cũng có một số truyện kể không thuộc loại sáng tác văn học nhưng cũng có tính tính nghệ thuật. Những câu chuyện này tác động mạnh đến tâm hồn HS, giúp các em rút ra được những bài học nhận thức thấm thía. HS sẽ được bồi dưỡng về nhận thức, tình cảm, được làm giàu vốn từ và phát triển tư duy, đặc biệt là tư duy hình tượng.
* Ví dụ: Bài Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai (TV5-Tập 1-Trang 40).
Câu 2: Trao đổi với các bạn trong lớp về ý nghĩa của câu chuyện.
Văn trong phân môn Kể chuyện còn thể hiện ở việc rèn kĩ năng nói biểu cảm cho học sinh trước đông người. Để truyền tải được cảm xúc đến
người nghe, người kể chuyện ngoài việc rèn lời nói gãy gọn mạch lạc còn phải biết nhập vai nhân vật và diễn xuất có hồn. Qua các tiết Kể chuyện, HS
sẽ dần hoàn thiện và có kĩ năng giao tiếp sao cho người nghe cảm thấy hứng thú, ý thức được cái hay, cái đẹp trong ngôn ngữ.
* Thành phần văn trong phân môn Luyện từ và câu:
Theo quan điểm giao tiếp, các kiến thức và kĩ năng về từ và câu cần cung cấp, hình thành cho HS phải theo hướng thực hành. HS thực hành rèn
luyện kĩ năng trên cơ sở ngữ liệu được rút ra từ thực tiễn giao tiếp sinh động. Các ngữ liệu trích đoạn từ văn bản nghệ thuật được đặt ở vị trí ưu tiên số một.
Thông qua ngữ liệu từ thực tiễn giao tiếp phong phú, đa dạng, HS được mở rộng vốn hiểu biết về đời sống. Các em được tiếp xúc với các mảng hiện
thực khác nhau và hiểu rõ hơn về nhà trường, bạn bè, thầy cô, biết thêm về cây cối, vật nuôi trong nhà, về thế giới tự nhiên bao la xung quanh,… Ngữ liệu cung cấp cho HS vẻ đẹp tiếng Việt có trong hàng trăm tình huống giao tiếp tự nhiên khác nhau, từ đó giúp các em học cách dùng tiếng Việt sao cho
chính xác, tinh tế, biểu cảm.
Ngữ liệu được lấy từ những mảng giao tiếp tươi nguyên sự sống sẽ giúp GV và HS dễ dàng vượt qua những nội dung môn học từ ngữ, ngữ pháp mà
xưa nay vẫn bị định kiến là: khô, khó. Ngữ liệu với nội dung gần gũi quen thuộc và được diễn đạt trong sáng, nghệ thuật ngoài mục đích làm vật liệu
mẫu để mở rộng vốn từ, nhận biết các kiểu câu,… còn phải đáp ứng yêu cầu là ngữ liệu về lời nói chuẩn mực, lời nói văn hóa để các em học tập.
* Ví dụ: Trong bài “Quan hệ từ” (trang 109 TV5T1) bài tập 3: Đặt câu với mỗi quan hệ từ: và, nhưng, của.
Tôi đã yêu cầu đặt 3 câu, mỗi câu có một quan hệ từ cho trước bằng hình thức nói hoặc viết hoặc cũng có thể chỉ yêu cầu mỗi học sinh chọn 2 (hoặc 1) trong 3 quan hệ từ cho trước để đặt câu rồi chữa chung cho cả lớp đối với lớp có học sinh trung bình, yếu nhiều. Còn đối với lớp có học sinh khá, giỏi nhiều giáo viên có thể nâng lên yêu cầu cao hơn là đặt đoạn văn ngắn có sử dụng 3 quan hệ từ cho trước với chủ đề tự chọn. Đây cũng là cơ sở để làm tập làm văn tốt hơn.
Khi dạy về câu, tôi hướng dẫn học sinh:
+ Tìm bộ phận chính của câu tránh nhầm lẫn trạng ngữ, ngữ danh từ là câu.
+ Xác định được những ví dụ nào đã thành câu, ví dụ nào chưa thành câu và giải thích tại sao?
+ Nắm được dạng bài mở rộng nòng cốt câu bằng cách thêm thành phần phụ. + Biết chữa câu sai bằng 2 cách.
+ Nắm được kiến thức cơ bản về câu để sử dụng dấu câu cho phù hợp.
* Ví dụ: Bài “Ôn tập về câu” (trang 171 TV5T1) sau khi dạy nội dung SGK để học sinh nắm được các kiểu câu, tôi đã củng cố bằng bài tập nâng cao như sau:
a) Ngày 2/9/1945 Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập.
b) Học sinh trường Tiểu học Điện Biên
c) Bờ biển Nha Trang rất đẹp.
d) Vui chơi trong sân trường
Yêu cầu học sinh xác định dòng nào là câu? Viết thêm vào những dòng chưa thành câu và giải thích tại sao? Ở bài tập này không những giúp học sinh biết được cấu trúc câu, hiểu ý nghĩa câu mà còn giúp học sinh biết lựa chọn vốn từ đã học để vận dụng một cách sinh động, sáng tạo vào một văn cảnh cụ thể. Ngoài ra học sinh còn có thể vận dụng những kiến thức này vào bài làm văn hoặc sử dụng dấu câu trong tiết chính tả.
Dạy tập làm văn: Đây là một phân môn mà học sinh phải tổng hợp những gì đã được tích lũy qua các bài giảng của giáo viên. Chính vì thế, khi dạy phân môn này, tôi thường giới thiệu với các em những bài đọc có liên quan hoặc tài liệu hay để các em tham khảo.
* Ví dụ:
+ Văn tả cảnh có các bài tham khảo: Quang cảnh làng mạc ngày mùa (Tô Hoài) trang 10 TV5T1; Tiếng đàn Ba-la-lai-ca trên sông Đà (Quang Huy) trang 69 TV5T1; Kì diệu rừng xanh (Nguyễn Phan Hách) trang 75 TV5T1; Trước cổng trời (Nguyễn Đình Ảnh) trang 80 TV5T1; Đất Cà Mau (Mai Văn Tạo) trang 89 TV5T1; Mở rộng vốn từ thiên nhiên (Bài bầu trời mùa thu của Xu- khôm-lin-xki) trang 87 TV5T1.
Ngoài ra, tôi còn giới thiệu cho học sinh những bài tập đọc ở chương trình lớp 5 vừa thay sách: Núi rừng Trường Sơn sau cơn mưa (trích tập đọc lớp 5-1980 trang 46 TV5T1); Thác Y-a-li (Thiên Lương) trang 50 TV5T1; Sau trận mưa rào (Vích-to Huy-gô) trang 73 TV5T1; Đêm trăng đẹp (Thạch Lam) trang 30 TV5T1; Buổi sáng mùa hè trong thung lũng (Hoàng Hữu Bội) trang 42 TV5T2.
+ Văn tả người có các bài tham khảo: Một chuyên gia máy xúc (Hồng Thủy) trang 45 TV5T1; Những người bạn tốt (Lưu Anh) trang 65 TV5T1; Hạng A-cháng (Ma Văn Kháng) trang 119 TV5T1; Bà tôi (Mác-xim Go-ro-ki) trang 122 TV5T1. Một số bài tham khảo ở chương trình sách giáo khoa vừa thay sách: Ông già trên núi chè tuyết (Bùi Nguyên Khiết) trang 45 TV5T2; Đánh cá
(Nguyễn Đình Thi) trang 47 TV5T2.
2. Biện pháp 2: Dạy theo đối tượng học sinh
Làm văn là nơi thử thách cho HS các kĩ năng tiếng việt, vốn sống, vốn văn
học, năng lực cảm thụ, HS phải thể hiện cảm xúc, suy nghĩ bằng ngôn ngữ nói và viết từ đó rèn cách nghĩ, cách cảm nhân thật sáng tạo, luyện cách diễn tả chính xác, sinh động, hồn nhiên với những nét riêng độc đáo của bản thân.
Ví dụ: Tả cảnh một buổi sáng (hoặc trưa, chiều) trong một vườn cây (hay trong công viên, trên đường phố, trên cánh đồng, nương rẫy).
Mở bài: Đối với học sinh trung bình, yếu giáo viên nên định hướng với cách mở bài trực tiếp; Với học sinh khá, giỏi, định hướng cho học sinh với nhiều cách gián tiếp.
Ví dụ: - Cạnh nhà em, vào buổi sáng cánh đồng lúa chín thật đẹp.
- Quê em vùng nông thôn, khung cảnh đơn sơ mộc mạc và cũng thật bình dị. Nhưng đẹp nhất có lẽ là được ngắm cảnh cánh đồng lúa chín vàng mỗi buổi
sớm mai còn chìm đắm trong giấc ngủ thanh bình.
Trong phân môn tập làm văn khâu đánh giá chữa lỗi rất quan trọng. Giáo viên cần chấm, chữa bài cho học sinh thật kĩ để giúp học sinh thấy được những thiếu sót của mình, tự rút kinh nghiệm sữa chữa, nên tạo không khí thoải mái, tranh luận khi sửa bài.
* Ví dụ: Khi chữa bài, tôi kẻ sẵn bảng thành 2 phần để ghi những từ, ý, hình ảnh còn nhầm lẫn, phần còn lại cho học sinh sửa sai theo ý của mình chẳng hạn: Thân hình cô thong thả - thân hình cô thon thả. Mắt cô tròn xoe như 2 viên bi - Mắt cô ánh lên những tia sáng ấm áp, tươi vui.
Như vậy Phân môn Tập đọc củng cố, nâng cao kĩ năng đọc cho học sinh, mở rộng vốn hiểu biết, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, nhân cách cho học sinh, điều này sẽ được các em thể hiện qua bài viết trong phân môn Chính tả, Tập làm văn, Luyện từ và câu (viết đoạn văn ngắn theo yêu cầu). Đây cũng là cơ sở bồi dưỡng văn cảm thụ cho học sinh khá, giỏi. Học tốt Tập làm văn sẽ giúp các em nhanh hiểu và cảm thụ nội dung bài tập đọc. Biết viết đúng yêu cầu trong phân môn Chính tả; biết phân tích ngữ liệu một cách logic trong phân môn Luyện từ và câu; biết suy luận từ những nhận xét để rút ra nội dung cần ghi nhớ.
3. Biện pháp 3: Làm giàu vốn từ cho học sinh
* Mục tiêu: Giúp học sinh có vốn từ để tái hiện sự vật mình quan sát được. Rèn kĩ năng sử dụng vốn từ của mình sao cho đúng, hay.
* Cách tiến hành:
Bước 1: Làm giàu vốn từ cho học sinh thông qua các phân môn trong môn Tiếng Việt:
- Phân môn Tập đọc giúp các em hiểu được nghĩa đen, nghĩa bóng, hiểu được nội dung của các đoạn văn, khổ thơ có ý nghĩa miêu tả (cảnh vật, con người,...). Mỗi tiết dạy Tập đọc tôi thêm một vài câu hỏi về thể loại, bố cục và trình tự miêu tả của tác giả để học sinh được học tập, được hiểu thêm và thấm dần cách viết văn thuộc thể loại văn miêu tả.
- Phân môn Luyện từ - câu là môn có thể giúp học sinh làm giàu vốn từ nhiều nhất khi dạy các tiết Mở rộng vốn từ. Trong các tiết này có các bài tập mở rộng vốn từ rất cụ thể, thiết thực như tìm từ, ghép từ, phát hiện từ miêu tả, dùng từ đặt câu, sắp xếp các từ thành nhóm miêu tả như nhóm từ ngữ miêu tả ngoại hình,
nhóm từ ngữ miêu tả đặc điểm cảnh vật, nhóm miêu tả hoạt động,...
- Đặc biệt ở chính phân môn Tập làm văn, giáo viên có thể giúp học sinh làm giàu vốn từ theo các đề tài nhỏ.
Bước 2: Làm giàu vốn từ cho học sinh thông qua các nguồn tài liệu sách, báo, truyện…
Hiện nay, việc phát triển văn hóa đọc ở trường tôi đã được thực hiện thường niên, do vậy theo lịch hàng tuần các em được xuống thư viện đọc sách, báo, truyện.... và đọc tại “Tủ sách lớp học” để tích lũy thêm vốn từ.
Ngoài ra tôi làm giàu vốn từ cho học sinh trong các giờ sinh hoạt câu lạc bộ “Yêu thơ, văn em tập viết”, “Em tập làm MC”, ...
Bước 3: Hướng dẫn học sinh sử dụng từ ngữ trong văn miêu tả.
Sau khi học sinh đã có một vốn từ nhất định, giáo viên giúp học sinh các cách sử dụng vốn từ trong miêu tả như: sử dụng từ láy, sử dụng tính từ tuyệt đối (đỏ mọng, đặc sệt, trong suốt...), sử dụng các biện pháp nghệ thuật (so sánh, nhân hóa, ẩn dụ...).
* Ví dụ: Trong phân môn Luyện từ và câu bài: Mở rộng vốn từ Thiên nhiên (Bài tập 4 - SGK Tiếng Việt 5 - trang 78).
Tìm những từ ngữ miêu tả sóng nước. Đặt câu với một trong các từ ngữ vừa
tìm được?
a) Tả sóng nước. M: ì ầm
b) Tả làn sóng nhẹ. M: lăn tăn
c) Tả đợt sóng mạnh. M: cuồn cuộn
Để giúp các em làm giàu vốn từ của mình qua bài tập trên, tôi hướng dẫn các em thực hiện như sau:
+ Tổ chức cho HS làm việc theo nhóm để tìm từ, đặt câu ra phiếu học tập.
+ Yêu cầu nhóm khác nhận xét theo các tiêu chí sau: Những từ ngữ tìm được đã phù hợp với yêu cầu của từng nhóm từ chưa. Câu văn đặt đã đúng chưa.
Riêng với phần đặt câu tôi khuyến khích các em đặt câu thêm với các từ khác. Việc làm này sẽ giúp các em biết sử dụng vốn từ để đặt câu.
Ví dụ: Học sinh đặt câu: Những đợt sóng cuồn cuộn vỗ nhẹ vào bờ.
Tôi cho học sinh sửa lại: Từ cuồn cuộn thường tả đợt sóng mạnh. Còn sóng nhẹ ta hay dùng lăn tăn, dập dềnh, lững lờ....
- Khi học đến thể loại văn tả người: “Tả một người thân trong gia đình em”. Tôi cho học sinh tập làm nhà sáng tác ra những bài thơ hay về mẹ. Học sinh đọc những bài thơ mình viết để các bạn nghe và cảm nhận. Bằng ngôn từ giản dị, HS nói lên được tình cảm yêu quý của mình dành cho mẹ. Qua việc sáng tác thơ, đọc cho nhau nghe học sinh sẽ học hỏi nhau để có những câu văn, câu thơ hay về mẹ.
- Khi hướng dẫn học sinh sử dụng từ ngữ trong văn miêu tả tôi hướng dẫn học sinh thông qua các bài tập.
Ví dụ: Hãy chọn từ ngữ thích hợp trong ngoặc điền vào chỗ trống để được các câu văn có hình ảnh so sánh phù hợp nhất (tiếng chuông, chùm sao, thuỷ tinh, dải lụa, giọng bà tiên).
- Hoa xoan nở từng chùm trông giống như... (chùm sao )
Trong câu hình ảnh hoa xoan trắng tạo thành chùm, ta liên tưởng những
chùm sao lấp lánh trên bầu trời đen. Vì thế chọn từ chùm sao là thích hợp.
- Giọng bà trầm ấm ngân nga như... (tiếng chuông )
Từ tiếng chuông gợi âm thanh vang vọng. Vì thế giọng bà được so sảnh với tiếng chuông để gợi lên giọng điệu trầm ấm, ngân vang.
Ở ví dụ trên cho số từ nhiều hơn số chỗ trống cần điền, buộc HS phải suy nghĩ kĩ hơn khi chọn từ.
Qua cách trên, học sinh nhận thấy tác dụng của việc sử dụng các từ ngữ gợi tả, gợi cảm. Biết cách chọn từ và sử dụng các từ ngữ gợi tả, gợi cảm, những biện pháp nghệ thuật sao cho phù hợp với văn cảnh.
4. Biện pháp 4: Hướng dẫn học sinh luyện viết câu
* Mục tiêu: Giúp học sinh viết được câu văn đúng ngữ pháp; Rèn kĩ năng viết câu văn đúng, hay.
* Cách tiến hành:
Bước 1: Hướng dẫn học sinh viết câu văn đúng ngữ pháp.
Bước 2: Hướng dẫn học sinh dùng dấu câu đúng, nhất là dấu chấm và dấu phẩy. Ngắt câu đúng sẽ diễn đạt rõ ràng, người đọc, người nghe dễ dàng tiếp nhận thông tin.
Bước 3: Hướng dẫn học sinh sử dụng từ ngữ giàu hình ảnh, tạo được sắc thái riêng của đối tượng miêu tả.
* Ví dụ: Miêu tả mái tóc của một bạn.
Bước 1: Yêu cầu học sinh đặt câu đủ chủ ngữ - vị ngữ.
Bạn Mai có mái tóc đen, óng ả.
Bước 2: Hướng dẫn học sinh sử dụng dấu câu.
Gv hỏi học sinh nhận xét về phần đặt câu của bạn.
Hs trả lời : Câu bạn đặt còn thiếu dấu phẩy để ngăn cách giữa các ý trong thành phần vị ngữ.
HS sửa: Bạn Mai có mái tóc đen, óng ả.
Bước 3: Hướng dẫn học sinh viết câu văn hay hơn.
GV nói: Cùng nói về mái tóc đen, óng ả có thể đặt được câu khác hay hơn.
Học sinh đặt: Bạn Lan có mái tóc đen huyền, óng ả, xõa ngang vai.
5. Biện pháp 5: Giúp học sinh biết tích lũy vốn kiến thức văn học.
Tích luỹ văn học là điều kiện tối thiểu để học tốt môn Tiếng Việt, nhất là phân môn Tập làm văn. Tôi đã cho học sinh sử dụng sổ tay chính tả để ghi chép những tiếng khó, ghi những trường hợp mắc lỗi chính tả đã được sửa chữa. Trong môn Tập làm văn, đây cũng là một biện pháp tích cực để giúp học sinh trau dồi vốn kiến thức văn học. Sổ tay văn học dùng cho các em ghi chép các ý hay, các câu, đoạn văn hay có thể qua các bài tập đọc, qua các tiết kể chuyện. Việc ghi chép này không nhất thiết để cho học sinh khi làm văn sẽ mở ra sử dụng nhưng trước hết, qua mỗi lần ghi chép, các em sẽ được một lần đọc, ghi nhớ, bắt chước, lâu dần thành thói quen. Khi làm bài, những từ ngữ, hình ảnh, ý văn sẽ tự động tái hiện, giúp học sinh có thể vận dụng trong bài làm.
6. Biện pháp 6: Tìm hiểu, cảm nhận cái hay, cái đẹp của đoạn văn.
Hướng dẫn học sinh tìm hiểu để cảm nhận cái hay, cái đẹp qua việc đọc một
đoạn văn được tiến hành qua nhiều tiết học. Cảm nhận được cái hay, cái đẹp, các
em sẽ hình thành được những cảm xúc thẩm mĩ, giúp cho việc học tập làm văn tốt hơn, nhất là văn miêu tả.
Để hướng dẫn tìm hiểu cảm nhận cái hay, cái đẹp của đoạn văn, giáo viên hướng dẫn các em hình thành thói quen suy nghĩ, tự đặt và ghi các câu hỏi xoay quanh nội dung đoạn văn. Kết quả học sinh có thể tự đặt các câu hỏi như:
+ Đoạn văn này miêu tả đặc điểm gì của nhân vật?
+ Đoạn văn này dùng những từ láy nào để miêu tả hình ảnh của nhân vật?
+ Có thể dùng những hình ảnh so sánh nào cho đoạn văn?...
7. Biện pháp 7: Hướng dẫn lập và hoàn thiện dàn ý.
Khi học sinh đã được cung cấp những từ ngữ miêu tả rồi, tôi tổ chức, hướng dẫn cho các em lập dàn ý, lựa chọn sắp xếp ý để miêu tả. Mục đích xây dựng dàn ý là giúp học sinh xác định được đúng yêu cầu của từng phần: mở bài, thân bài, kết bài, xác định thể loại và đối tượng miêu tả để tránh tình trạng học sinh viết tràn lan, lạc đề và miêu tả không trọng tâm.
Hoạt động tiếp theo sau khi lập dàn ý là hoàn thiện dàn ý. Đây là bước quan
trọng, cần thiết để có được một bài tập làm văn viết tốt nhất. Khi làm bài vào vở, học sinh cần chú ý cách trình bày, chữ viết, lỗi chính tả. Đó là những yếu tố giúp học sinh thành công trong quá trình học Tập làm văn. Cuối cùng, khi đã làm bài
xong học sinh cần kiểm tra lại bài viết của mình trước khi nộp bài.
Ví dụ Đề bài: Hãy miêu tả một người bạn thân của em.
- Học sinh quan sát, viết nhanh ra giấy những điều quan sát được.
- Sau khi tìm ý, cho các em chọn và sắp sếp ý thành các đoạn Mở bài, Thân bài, Kết bài phù hợp.
III.2. Tính mới, tính sáng tạo
III.2.1. Tính mới
Với đề tài này, để đem đến hiệu quả thực tế tại lớp tôi đã và đang thực hiện
hiện nay, tôi đã đưa ra được một số giải pháp trong công tác giảng dạy đảm bảo các điều kiện đó là:
- Các giải pháp đưa ra không trùng với nội dung của giải pháp cũ khi chưa thực nghiệm.
- Không trùng với giải pháp của người khác đã được áp dụng.
- Chưa được quy định thành tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm bắt buộc phải thực hiện.
- Mỗi biện pháp trước khi đưa ra, tôi xác định mục tiêu của biện pháp cần đạt gì, đối tượng là ai, vận dụng như thế nào?
- Thử nghiệm dùng biện pháp đó xem có đảm bảo tính khả thi không?
- Lựa chọn, sắp xếp biện pháp nào trước, biện pháp nào sau để phù hợp.
- Mỗi biện pháp đưa ra một ví dụ hoặc một minh chứng để khảng định.
- Khi thực hiện mỗi biện pháp tôi đã khảo sát thực tế để thấy được hiệu quả đến đâu, kịp thời chỉnh sửa nếu cần.
III.2.2. Tính sáng tạo
- Rõ ràng phân môn Tập làm văn là một phân môn mang tính tổng hợp và sáng tạo cao. Tổng hợp các kiến thức, kĩ năng từ Tập đọc, Kể chuyện, Chính tả, Luyện từ và câu,... để viết nên một bài Tập làm văn.
Theo quan điểm tích hợp, các phân môn được tập hợp lại xung quanh trục chủ điểm và các bài đọc. Nhiệm vụ cung cấp kiến thức và rèn luyện kĩ năng gắn bó chặt chẽ với nhau. Như vậy, muốn dạy - học có hiệu quả Tập làm văn miêu tả (tả cảnh, tả người, tả cây cối, tả đồ vật….), tôi đã chú trọng dạy tốt Tập đọc, Kể chuyện, Chính tả, Luyện từ và câu. Vì trong các bài đọc, trong câu chuyện, trong các bài tập luyện từ-câu thường xuất hiện các đoạn văn, khổ thơ có nội dung miêu tả rất rõ về cảnh vật, thiên nhiên, con người. Bài Tập làm văn nếu không sáng tạo sẽ trở thành một bài văn khô cứng, góp nhặt của người khác, nội dung bài văn không hồn nhiên, trong sáng, mới mẻ như tâm hồn của tác giả nhỏ tuổi.
Chất lượng Tập làm văn là chất lượng của cảm thụ văn học, của các kĩ năng
nghe, nói, đọc, viết tiếng mẹ đẻ. Cho nên, thầy và trò tôi đã thiết kế bài giảng và học tập tích cực, nghiêm túc, hiệu quả, mới mong nâng cao một cách bền vững chất lượng môn Tiếng Việt ở lớp cuối cấp Tiểu học. Dạy Tập làm văn lớp 5 phải đảm bảo mục tiêu yêu cầu cần đạt về kiến thức, kĩ năng của Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học theo Chuẩn kiến thức, kĩ năng của từng môn học và phù hợp trình độ của từng học sinh trong lớp.
Việc áp dụng các biện pháp khi thực hiện dạy tích hợp liên môn để dạy văn cho học sinh, tôi đã chú trọng:
+ Trong bài giảng của mình dù là dạy môn học nào đi chăng nữa, GV cũng thường phải dạy thêm những kiến thức liên quan của những môn học khác ở bên ngoài để bổ sung cho chủ đề của bài học dạy cho HS. Vì vậy, mỗi GV không chỉ có sự am hiểu về riêng môn học mình dạy mà còn có những kiến thức liên môn khác được tích lũy trong quá trình dạy học nhiều năm của bản thân.
+ Đồng thời, việc dạy và học hiện nay không đơn thuần là giáo viên giảng bài còn học sinh ở dưới lớp ghi chép như trước theo yêu cầu của Bộ giáo dục và Đào tạo. Hiện nay, giáo viên sẽ vừa truyền đạt kiến thức vừa là người kiểm tra, tổ chức và định hướng học tập cho học sinh của mình.
+ Với cách dạy học tích hợp liên môn, với những môn học liên quan tôi chủ động hơn khi cùng hỗ trợ, phối hợp với các giáo viên khác trong dạy học.
- Qua mỗi chủ đề bài học, xác định được năng lực, tiềm năng có thể phát triển cho học sinh tốt nhất.
* Các giải pháp đưa ra đã thể hiện rõ tính ưu việt. Đề cao hiệu quả học tập giúp HS học được nhiều kiến thức nhất, học sâu sắc nhất nhưng cũng tiết kiệm thời gian, giảm áp lực học hành cho các em.
- Phát triển năng lực cho mỗi học sinh, tạo học sinh hứng thú trong giờ học, giúp các em hiểu bài học sâu sắc ở nhiều khía cạnh hơn. Thêm nữa, các em có thể vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn tốt hơn. Từ đó, học sinh sẽ trở nên năng động hơn, biết tư duy vận dụng kiến thức các môn học khác nhau vào trong cuộc sống, tăng cường tư duy tổng hợp, khả năng tự nghiên cứu, tự học tốt hơn. Học sinh học kiến thức một cách linh hoạt, vận dụng theo cách riêng của mình. Khi nhiều môn học được tích hợp trong một chủ đề không chỉ khiến học sinh được học kiến thức sâu rộng, nhìn vấn đề ở nhiều góc độ bình diện mà còn giảm bớt thời gian, công sức học lại nhiều lần một nội dung kiến thức gây nhàm chán và quá tải cũng như khó vận dụng vào thực tiễn với kiến thức đơn lẻ.
- Trang bị cho học sinh lớp 5 kĩ năng làm văn miêu tả, để từ đó bài làm của học sinh được cải thiện chất lượng học tập của các em cũng sẽ được nâng lên một cách đáng kể. Giúp học sinh hứng thú, yêu thích môn học.
III.3. Phạm vi ảnh hưởng, khả năng áp dụng của sáng kiến
Một số biện pháp tôi nêu ra trên đây, nhà trường đã chọn để ứng dụng vào trong giảng dạy Tập làm văn đối với các lớp trong trường tôi. Các biện pháp nêu trong đề tài đều rất thông dụng và là những việc phải làm để đạt được mục tiêu của dạy Tập làm văn, chính vì lẽ đó mà có thể áp dụng cho tất cả giáo viên dạy lớp 5 trong trường và trường bạn. Thể hiện:
+ Hiện nay, 100% GV các nhà trường đều được tiếp cận với Chương trình
giáo dục mới, đều hiểu rõ việc dạy học tích hợp liên môn là cần thiết và đang được
áp dụng đại trà tại các bậc học. Và mỗi GV đều thấy rõ thành phần văn trong mỗi phân môn của môn Tiếng Việt: Cảm thụ văn, học cách viết văn trong tập đọc; phát triển vốn từ, hiểu từ ngữ trong luyện từ và câu, xây dựng hình tượng qua những câu chuyện kể, ....
+ Trong một lớp, bao giờ cũng có nhiều đối tượng học sinh khác nhau, sự tiếp thu của các em có sự khác nhau, do vậy bất kỳ giáo viên nào cũng thực hiện
được nhiệm vụ này để đạt mục tiêu giáo dục.
+ Đặc biệt hiện nay phát triển văn hóa đọc đang trở thành phong trào đối với các nhà trường, ý thức đọc sách, truyện đã tạo nên một nhiệm vụ, một việc làm không thể thiếu với cả giáo viên, học sinh. Điều này đã hỗ trợ đắc lực cho học sinh viết văn, làm giàu hình ảnh, vốn từ ngữ, nghệ thuật viết văn của học sinh.
+ Việc lập dàn ý, hoàn thiện dàn ý, bố cục bài văn là kiến thức cơ bản, là yêu cầu, kỹ năng cần đạt của mỗi học sinh trong học văn mà do giáo viên cung cấp, vì lẽ đó mà giáo viên nào cũng phải thực hiện và thực hiện tốt.
III.4. Hiệu quả, lợi ích thu được do áp dụng giải pháp.
- Lớp tôi đã tự xây dựng “Tủ sách lớp học”, tự HS đóng góp truyện, sách, báo, tạp chí, HS được đọc hàng ngày để phát triển vốn từ giúp làm văn tốt hơn.
- Tận dụng tối đa công nghệ với các hình ảnh thực, cảnh vật thực, giảm bớt thời gian, kinh phí cho việc tự làm của giáo viên mà đem lại hiệu quả cao.
- Khi nhiều môn học được tích hợp trong một chủ đề không chỉ khiến học sinh được học kiến thức sâu rộng, nhìn vấn đề ở nhiều góc độ bình diện mà còn giảm bớt thời gian, công sức, … để học lại nhiều lần một nội dung kiến thức gây nhàm chán và quá tải cũng như khó vận dụng vào thực tiễn với kiến thức đơn lẻ.
- Đào tạo cho xã hội lớp người có đủ khả năng, kỹ năng cuộc sống đáp ứng yêu cầu của giáo dục trong thời đại hiện nay.
- Tạo thói quen đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc cho mỗi em.
- Tạo cơ sở tốt để học sinh học tập và tạo tiền đề cho các lớp cao hơn .
- Góp phần quan trọng hình thành tính cách của học sinh. Hình thành thái độ tự tin khi giao tiếp, giải quyết các vấn đề trong cuộc sống tốt hơn.
- Học sinh học văn tốt, phát triển được kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trình bày một văn bản của học sinh trong vận dụng cuộc sống sau này.
- Dạy tích hợp liên môn trong Tập làm văn sẽ giúp các em có được vốn kiến thức sâu rộng, cung cấp cho các em rất nhiều vốn từ phong phú, đa dạng. Nó sẽ là hành trang tốt nhất cho tương lai của các em. Việc học tích hợp các phân môn Tập đọc; Chính tả; Luyện từ và câu; Tập làm văn sẽ giúp cho học sinh học tốt các môn học khác, đồng thời làm cho ngôn ngữ tiếng việt của học sinh ngày càng phong phú và trong sáng hơn.
TÁC GIẢ SÁNG KIẾN
Vũ Thị Oanh
Chúng ta đang triển khai và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mục tiêu của chương trình mới là nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tối đa tiềm năng của mỗi học sinh.