SÁNG KIẾN
Rèn đọc đúng cho học sinh lớp 4
I. MÔ TẢ GIẢI PHÁP ĐÃ BIẾT
1. Mô tả giải pháp
Trong các môn học thì môn Tiếng Việt có nhiệm vụ hình thành năng lực hoạt động ngôn ngữ cho học sinh. Năng lực hoạt động ngôn ngữ được thể hiện qua bốn kỹ năng “ Nghe- Nói - Đọc – Viết”.
Phân môn tập đọc trong trường tiểu học có một ý nghĩa rất to lớn. Nó trở thành một đòi hỏi cơ bản đầu tiên đối với mỗi người đi học. Đọc khiến trẻ em chiếm lĩnh được mọi ngôn ngữ dung trong giao tiếp và học tập. Nó là một công cụ để học tập các môn học khác.
Thông qua việc dạy và học, Tiếng Việt góp phần rèn luyện tư duy, cung cấp cho học sinh những kiến thức sơ giản về tiếng việt tự nhiên, xã hội và con người, về văn hóa, văn học Việt Nam.
Trong bốn kỹ năng: “Nghe -Nói-Đọc-Viết” thì kỹ năng “Đọc” có một ý nghĩa to lớn vì nó bao gồm các nhiệm vụ giáo dưỡng, giáo dục tình cảm chuẩn mực đạo đức và phát triển trí tuệ, tư duy cho học sinh.
- Thực trạng
a) Ưu điểm:
Tất cả học sinh trong lớp cùng thi đua rèn đọc. Nhiều em đọc có tiến bộ, to, rõ ràng, trôi chảy hơn. Tốc độ đọc của 1 số em đã có những cải thiện đáng kể. Ngoài những kết quả đã đạt được như thống kê ở trên, việc rèn đọc còn có tác dụng đem lại hứng thú học tập cho các em. Nhiều em bắt đầu cố gắng nỗ lực và có tính kiên trì chịu khó cao.
b) Tồn tại:
* Học sinh: Khả năng đọc của một số em tuy đã cải thiện rõ rệt, song sự cảm nhận văn học còn hạn chế.
- Học sinh ngại viết, không có hứng thú và lòng say mê khi rèn đọc hay mà chủ yếu là chỉ dừng lại ở mức độ đọc đúng.
- Bên cạnh đó phụ huynh không quan tâm đến sách vở cũng như các loại bút viết của học sinh.
* Giáo viên:
- Khả năng đọc của một số giáo viên chưa đạt yêu cầu nhưng không có ý thức luyện đọc dẫn đến không có sự mẫu mực trong đọc bài ở trên lớp.
- Một số giáo viên khi giảng dạy trên lớp vẫn còn phát âm sai chính tả. Trong quá trình giảng dạy, đa số giáo viên sử dụng phương pháp đàm thoại và thuyết trình. Số học sinh trong lớp đông, thời gian có hạn nên giáo viên không có điều kiện kèm cặp tỉ mỉ cho mọi đối tượng học sinh.
- GVCN chưa có kế hoạch cụ thể về thời gian cho việc rèn đọc ở lớp, ở nhà cho HS
* Nhà trường
- Chưa có hình thức tuyên dương khen ngợi trước tập thể đối với những học sinh có ý thức trong các phong trào liên quan đến đọc .
* Phụ huynh học sinh
- Một số phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc học của con em mình. Chỉ yêu cầu học sinh học Tiếng việt, Toán mà quên rằng việc đọc của các em sẽ làm cho tâm hồn các em thêm phong phú.
II. NỘI DUNG GIẢI PHÁP ĐỀ NGHỊ CÔNG NHẬN SÁNG KIẾN
II.1. Nội dung giải pháp đề nghị công nhận sáng kiến
1. Phương pháp thực hiện:
+ Phương pháp đọc tài liệu
+ Phương pháp quan sát
+ Phương pháp đàm thoại
+ Phương pháp thực hành
+ Phương pháp phân tích, tổng hợp
2. Những biện pháp cơ bản để rèn đọc cho học sinh lớp 4
2.1. Rèn học sinh đọc đúng vần, âm, dấu thanh.
* Đọc đúng các âm dễ lẫn:
Đọc đúng là phát âm đúng hệ thống ngữ âm chuẩn. Nói cách khác là phải đọc đúng chính âm ( không đọc theo cách phát âm của địa phương, cách phát âm có sự sai lệch so với âm chuẩn). Phát âm đúng tiếng Việt là yêu cầu cần thiết. Đọc đúng đòi hỏi thể hiện chính xác âm vị. Để học sinh đọc đúng trong quá trình giảng dạy tôi đã cho các em phát hiện, so sánh, phân biệt để từ đó các em phát âm đúng hay đọc đúng các âm đầutrong các bài đọc và trong giao tiếp.
+ Ví dụ 1: Khi dạy bài “ Mẹ ốm- Trần Đăng Khoa”
Tôi đã tiến hành hướng dẫn cho học sinh phát hiện, phân biệt để đọc đúng các phụ âm đầu hay đọc lẫn như sau: (Các tiếng có phụ âm đầu “d/r/gi”)
- Học sinh đọc bài một lượt - Toàn lớp đọc thầm.
- Học sinh đưa ra những từ hay đọc lẫn trong bài đó là:
“Cả đời đi gió đi sương
Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi”.
- Học sinh thường phát âm sai “gió” thành “dó”, “giường” thành “dường”
Như vậy chúng ta cần chỉ rõ cho học sinh khi nào phát âm là “d” khi nào phát âm là “gi” trên cơ sở học sinh hiểu nghĩa của từ.
+ Ví dụ 2: Khi dạy bài “Tre Việt Nam” của tác giả Nguyễn Du- Tiếng Việt lớp 4. Tôi thường lắng nghe và quan sát kỹ cách phát âm của học sinh để nhắc nhở và uốn nắn kịp thời khi các em phát âm sai một số từ như: tre xanh,
bao giờ, sao, sỏi, siêng, sương ...
* Đọc đúng các vần:
Không những yêu cầu học sinh đọc đúng phụ âm đầu như trên mà cần rèn cho các em đọc đúng cả những vần khó, tiếng khó, vần có nguyên âm đôi mà các em hay phát âm sai, tôi đã định hướng cụ thể như sau:
- Cho các em đọc bài giáo viên và học sinh cùng theo dõi, nếu học sinh đọc sai ghi lên bảng và sửa cho học sinh.
Ví dụ 1: Đối với các tiếng kết thúc bằng n/ng: “quãng” vần “ang” không đọc là “quãn” vần “an”, “chán ngán” không đọc là “cháng ngáng”, “thịnh vượng” không đọc là “thịnh vượn”,...
Ví dụ 2: Đối với các nguyên âm đôi: “uống rượu” đọc thành “uống riệu”, vần “ươu” không đọc là” iêu” hoặc cho học sinh phát hiện những tiếng có vần khó như “ tuyết, khuyết, khúc khuỷu, đêm khuya, ngoằn nghèo, ngọ nguậy,..”
- Gọi học sinh đọc lại từng từ, từng tiếng có vần khó.
- Giáo viên uốn nắn, sửa luôn cho học sinh.
Bên cạnh hướng dẫn học sinh đọc đúng âm, vần như trên tôi còn luyện đọc đúng dấu thanh.
* Đọc đúng dấu thanh.
Học sinh Tiểu học vẫn còn có em chưa phát âm đúng, đọc đúng dấu thanh do nhiều yếu tố mang lại. Chính vì thế chúng ta cần rèn luyện cho các em học sinh đọc đúng dấu thanh trong các bài tập đọc như:
Ví dụ khi dạy bài “Chú Đất Nung”-Nguyễn Kiên (TV lớp 4- tập 1)
- Giáo viên đưa các tiếng mà có dấu thanh hay lẫn.
- Giáo viên gọi một số học sinh đọc.
- Học sinh khác nhận xét bạn đọc đúng dấu thanh chưa.
- Nếu vẫn còn học sinh đọc chưa đúng, giáo viên đọc mẫu và phân tích cho học sinh.
Chẳng hạn như:
“Kị sĩ” không đọc là “kị sí”, thanh “ngã” thành thanh “sắc”.
“Cưỡi ngựa tía” không đọc là “cưới ngựa tía”, thanh “ngã” đọc thành thanh “sắc”.
Hoặc từ “dũng cảm” không đọc là “dúng cảm” thanh “ngã” đọc thành thanh “sắc”,...
Việc rèn cho học sinh phát âm đúng giáo viên cần lưu ý sửa sai triệt để ở lớp và bất kì tiết học nào. Đồng thời nhắc nhở học sinh đọc đúng tốc độ và giọng đọc cũng rất cần thiết.
2.2. Rèn đọc đúng tốc độ, cường độ giọng đọc.
Khi học sinh đã phát âm đúng, chuẩn nhưng còn đọc chậm, tôi luyện cho
học sinh đọc nhanh, đọc rõ ràng, đọc trôi chảy bằng cách cho học sinh lắng
nghe giáo viên đọc mẫu, bạn đọc. Giáo viên phải điều chỉnh tốc độ của học sinh nếu các em đọc nhanh cần nhắc đọc vừa tốc độ (không phải đọc nhanh là hay là đúng) nếu học sinh đọc chậm chúng ta cần động viên các em đọc nhanh hơn, đọc đúng tốc độ.
Tùy thuộc vào nội dung và nghệ thuật của từng bài tập đọc mà tôi hướng dẫn học sinh có cách thể hiện sao cho phù hợp. Có bài đọc với giọng vui tươi trong sáng, có bài đọc với giọng âu yếm, dịu dàng đầy tình thương, có bài đọc với giọng nhẹ nhàng suy tư, có bài đọc với giọng hóm hỉnh, có bài đọc với giọng châm biếm, có bài đọc với giọng tha thiết, tự hào.
Hướng dẫn học sinh chuyển sắc thái giọng đọc qua các bài tập đọc là thể loại truyện: học sinh biết phân biệt lời của người dẫn chuyện với lời của nhân vật.
Ví dụ: Bài “Những hạt thóc giống”- Truyện dân gian Khmer (Tiếng Việt 4, tập 1) cần đọc chậm rãi, lời cậu bé Chôm lo lắng, lời nhà vua thì dõng dạc. Bài “ Nỗi dằn vặt của an-dray-ca” của tác giả “ Xu-khôm-lin-xki” cần đọc chậm với giọng trầm, buồn; còn đối với bài “ Chị em tôi” - Liên Hương” cần đọc với giọng nhẹ nhàng, hóm hỉnh,...
2.3. Rèn học sinh cách ngắt giọng
Hướng dẫn học sinh biết ngắt, nghỉ hơi đúng chỗ cũng là một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên cách đọc diễn cảm. Tôi hướng dẫn học sinh biết cách ngắt giọng theo một số quy tắc sau:
* Ngắt giọng theo ngữ pháp:
Trong mỗi bài tập đọc cụ thể tôi chú trọng cho học sinh tập phát hiện đến chỗ cần ngắt, nghỉ hơi cho phù hợp với quy tắc ngữ pháp bằng cách dùng bút chì gạch(/) đối với chôc ngắt hơi, gạch gai gạch(//) đối với chỗ nghỉ hơi dựa trên vốn kiến thức đã học từ phân môn Luyện từ và câu về cách ngắt, nghỉ giọng khi gặp dấu câu, giữa trạng ngữ và thành phần chính của câu, giữa chủ ngữ và vị ngữ,...
Ví dụ: Cho học sinh thảo luận tụa phát hiện những chỗ cần ngắt giọng theo quy tắc ngữ pháp trong đoạn văn sau:
Tôi đã ngửa cổ suốt một thời mới lớn// để chờ đợi một nàng tiên áo xanh bay xuống từ trời/ và bao giờ cũng hi vọng khi tha thiết cầu xin//: “Bay đi diều ơi!//Bay đi!//” Cánh diều tuổi ngọc ngà bay đi/ mang theo nỗi khát khao của tôi.// (Cánh diều tuổi thơ- Tạ Duy Anh).
* Ngắt nghỉ theo cụm từ và cách giữ hơi ở những câu văn dài:
Đây là một việc làm khó nên tôi thường hướng dẫn học sinh bằng cách tôi đọc mẫu để cho học sinh phát hiện ra chỗ ngắt, nghỉ hơi.
Ví dụ: Nhưng ai đấy đều nói là đòi hỏi của công chúa không thể thực hiện được/ vì mặt trăng ở rất xa/ và to gấp hàng nghìn lần nhà nước của nhà vua.// ( Rất nhiều mặt trăng- Ma Văn Kháng)
* Ngắt theo nhịp thơ:
Nhịp vần tạo nên nhạc điệu và là đặc trưng của thơ ca. Muốn vậy ngay từ bước đầu giáo viên cần hướng dẫn học sinh cách nhận biết thể thơ tìm ra nhịp thơ phổ biến từ đó có cách ngắt giọng phù hợp.
Ví dụ :Thơ lục bát thể thơ phổ biến là 2/4 và 4/4. Vì vậy khi đọc bài thơ
“Mẹ ốm - Trần Đăng Khoa” học sinh cần phải biết phát hiện và ngắt đúng nhịp thơ. Hoặc trong thể thơ thất ngôn thì thể thơ phổ biến là 4/3 như bài “Đoàn thuyền đánh cá” của nhà thơ “Huy Cận”.
Thể thơ có thể được ngắt rất linh hoạt tùy thuộc vào ý nghĩa ngữ pháp của mỗi dòng thơ, câu thơ, đặc biệt là trong thể thơ tự do học sinh khó có thể tìm ra nhịp thơ phổ biến vì vậy cần có sự hướng dẫn gợi mở của giáo viên.
* Ngắt giọng biểu cảm:
Thông qua hiểu nội dung, cảm thị bài sâu sắc giáo viên hướng dẫn học sinh cách ngắt nhịp biểu cảm tạo cho người nghe sự tập trung chú ý và góp phần tạo nên hiệu quả nghệ thuật cao hơn trong văn bản.
Ví dụ: câu thơ “ Mẹ/ là đất nước tháng ngày của con.//” (Mẹ ốm- Trần Đăng Khoa).
2.4. Rèn cho học sinh đọc thầm.
Đọc thầm là học sinh đọc bằng mắt. Đọc thầm là yêu cầu cao, đọc với tốc độ nhanh và hiệu quả hơn. Khi hướng dẫn học sinh đọc thầm giáo viên cần giao nhiệm vụ cụ thể để định hướng rõ yêu cầu đọc thầm cho học sinh (đọc câu nào, đoạn nào, đọc để trả lời câu hỏi hay để ghi nhớ, thuộc lòng, đọc để trả lời câu hỏi nào,...).
Ngoài ra, tôi còn sử dụng hình thức đọc thầm để giúp học sinh học thuộc lòng hoặc ghi nhớ một đoạn văn, thơ đã học.
2.5. Rèn học sinh đọc đúng ngữ điệu.
Đọc đúng ngữ điệu bao gồm lên giọng, xuống giọng, nhấn giọng, chuyển giọng, ngắt hơi, cường độ và cả trường độ của giọng đọc... Như vậy đọc đúng ngữ điệu là đúng về ý nghĩa, nội dung của từ,câu, đoạn... đúng phong cách và chức năng của văn bản các em đọc thế nào để người nghe thấy được cái hay, cái đẹp của nội dung và nghệ thuật của bài đọc. Đọc đúng ngữ điệu là thể hiện hài hòa về âm hưởng của bài đọc. Nó có giá trị lớn để bộc lộ cảm xúc, vì vậy đọc đúng ngữ điệu rất quan trọng, giúp học sinh bước đầu thâm nhập vào văn bản, làm việc với văn bản.
Chẳng hạn khi học sinh đọc giáo viên hướng dẫn cụ thể, từng thể loại như sau:
* Hướng dẫn đọc các câu đối thoại, lời nhận vật.
Ví dụ: Bài Chị em tôi - Liên Hương (Tiếng Việt4, tập1) giáo viên hướng dẫn học sinh diễn tả đúng ngữ điệu lễ phép trong câu nói của người con và ân cần trong lời đáp của người cha. Đoạn đối thoại giữa hai chị em phải thể hiện rõ tính cách của từng nhân vật: chị nóng nảy, bực bội; em mỉa mai, cười cợt. Lời dạy của cha vừa nhẹ nhàng, vừa nghiêm khắc.
* Hướng dẫn đọc nhấn giọng các từ ngữ hình ảnh quan trọng.
Ví dụ: Khi dạy bài “Đôi giày ba ta màu xanh”-Tiếng Việt lớp 4 - Phần 1
Bài có 2 đoạn:
Đoạn 1: Tả vẻ đẹp của đôi giày cần đọc giọng thế nào.
Đoạn 2: Đọc giọng thế nào thấy được tâm trạng của cậu bé.
- Đoạn 1: Đọc giọng hồi tưởng, nhẹ nhàng nhấn giọng một số từ ...
Chao ôi!/ đôi giày mới đẹp làm sao!/ cổ giày cao,/ ôm sát chân,/ thân giày làm bằng vải cứng,/ dáng thon thả,/ màu vải như màu da trời....
- Đoạn 2: Nhấn giọng từ ngữ tả sự xúc động niềm vui sướng của cậu bé.
Hôm nhận giày, tay Lái run run,/ môi cậu mấy máy,/ mắt hết nhìn đôi giày,/ lại nhìn xuống đôi chân,/ Lái cột hai chiếc giày vào nhau,/ đeo vào cổ,/nhảy tưng tưng...
* Hướng dẫn nhấn giọng đối với văn bản thơ:
Ví dụ: Khi dạy bài “Truyện cổ nước mình” (Tác giả: Lâm Thị Mỹ Dạ - Tiếng Việt 4- Phần 1).
Thơ lục bát: Thể thơ lục bát cần đọc giọng thong thả, trầm tĩnh, sâu lắng. Sự ngắt nhịp của câu thơ rất đa dạng, phù hợp với nội dung của từng câu thơ như:
Tôi yêu/ truyện cổ nước tôi//
Vừa nhân hậu/lại tuyệt vời sâu xa//
Thương người/rồi mới thương ta//
Yêu nhau/ chi mới cách xa/ cũng tìm//
Vàng cơn nắng,trắng cơn mưa//
Con sông chảy/ có rặng dừa nghiêng soi//
Câu thì nhịp 3/5, câu thì 2/4, câu lại nhịp 2/2/2 và câu nhịp 3/3. Khi dạy, chúng ta cho học sinh thấy được sự ngắt nhịp cũng như sự gieo vần của các dòng thơ. Thơ lục bát thường tiếng thứ 6 của câu 6 gieo vần với tiếng thứ 6 của câu 8 (Vần “ôi” củatiếng “tôi” gieo vần với vần “ơi” của tiếng “vời”)
2.6. Rèn cho học sinh đọc hiểu
Đọc hiểu là thông qua đọc, người đọc hiểu được nội dung tư tưởng chủ đề đơn giản của bài. Nhận biết được đề tài, chủ đề đơn giản của bài. Nắm được dàn ý sơ lược ,tóm tắt được nội dung chính của bài, của đoạn, phát hiện được giá trị của tác phẩm trong việc biểu đạt nội dung. Hiểu được ý nghĩa của bài. Hình thành kĩ năng đọc lướt nắm ý chính hoặc lựa chọn thông tin. Biết ghi các thông tin cần thiết. Chính vì thế để rèn kỹ năng đọc cho học sinh, tôi đã chú ý rèn kỹ năng đọc hiểu.
* Rèn kỹ năng tìm hiểu của đoạn, bài.
Rèn luyện kỹ năng tìm hiểu nội dung của bài, đoạn. Tôi đã cho học sinh dựa vào các câu hỏi trong sách giáo khoa để tìm hiểu như:
Ví dụ: Khi dạy bài “ Điều ước của vua Mi-đát”- Thần thoại Hi Lạp (TiếngViệt 4, tập 1).
Học sinh đọc đoạn 1 và các em biết được điều ước thật tham lam của vua Mi-đát: “... Xin thần cho mọi vật tôi chạm đến đều hóa thành vàng...” và niềm sung sướng của nhà vua khi điều ước được thực hiện thật tốt đẹp: “Vua Mi-đát thử bẻ một cành sồi,cành đó liền biến thành vàng. Vua ngắt một quả táo, quả táo cũng thành vàng nốt. Tưởng không có ai trên đời sung sướng hơn thế nữa!
Đoạn 3: Học sinh đọc và thấy được sai lầm và sự hối hận của nhà vua khi chọn một điều ước quá tham lam.
“.... Nhà vua sung sướng ngồi vào bàn. Và lúc đó ông mới biết mình đã xin một điều ước khủng khiếp. Các thức ăn,thức uống khi vua chạm tay vào đều biến thành vàng. Mi-đát bụng đói cồn cào, chịu không nổi,liền chắp tay cầu khẩn: Xin thần tha tội cho tôi! Xin Người lấy lại điều ước để cho tôi được sống.”
Đoạn 4: Học sinh rút ra được ý nghĩa của câu chuyện (Những ước muốn tham lam không mang lại hạnh phúc cho con người.)
* Đối với một số bài có câu hỏi quá dài, nhiều ý GV có thể tách thành các câu hỏi nhỏ để quá trình đọc hiểu của các em được thuận lợi hơn.
Ví dụ: Bài Cánh diều tuổi thơ- Tạ Duy Anh (Tiếng Việt 4, tập 1), câu hỏi: Trò chơi thả diều đem lại cho trẻ em những niềm vui lớn và những ước mơ đẹp như thế nào? Giáo viên có thể tách thành hai câu hỏi nhỏ: Trò chơi thả diều đem lại cho trẻ em những niềm vui lớn như thế nào ? (Các bạn hò hét nhau thả diều thi, vui sướng đến phát dại nhìn lên trời) ; Trò chơi thả diều đem lại cho trẻ em những ước mơ đẹp như thế nào? (Nhìn lên bầu trời đêm huyền ảo , đẹp như một tấm thảm nhung khổng lồ,bạn nhỏ thấy lòng mình cháy lên, cháy mãi khát vọng....).
Như vậy, thông qua đọc học sinh không những thấy được , hiểu được , cảm nhận được nội dung, ý nghĩa của văn bản mà còn thấy được giá trị nghệ thuật của từng văn bản, có thể đưa ra nhận xét, đánh giá về chúng. Đồng thời có thể truyền tải những cái hay,cái đẹp đó đến mọi người thông qua hình thức đọc diễn cảm.
2.7. Rèn kĩ năng đọc diễn cảm.
Đọc diễn cảm đối với các em lớp 4 còn quá mới mẻ và thường gặp nhiều khó khăn: Các em thường đọc một mạch từ đầu đến hết bài bằng một giọng đều đều, không thể hiện cảm xúc ; có em thể hiện một cách thái hóa sự biểu lộ cảm xúc của mình gây phản cảm cho người nghe (cố ý gằn giọng quá mạnh hoặc nhấn giọng ở những chỗ không cần thiết,...) ; có em đọc quá nhỏ, quá to, quá nhanh hoặc quá chậm nên chưa thể hiện được rõ những tâm tư, tình cảm của tác giả gửi gắm vào trong từng tác phẩm.
Giáo viên cần hướng dẫn đọc diễn cảm thông qua việc gợi mở học sinh thể hiện tình cảm,thái độ qua giọng đọc phù hợp với hình ảnh, cảm xúc trong bài thơ, phù hợp tính cách nhân vật trong bài văn để bước đầu các em làm chủ được giọng đọc với giọng điệu, tốc độ, cao độ, cường độ, âm sắc nhằm diễn tả đúng nội dung bài. Đồng thời tư thế, nét mặt,cử chỉ,ánh mắt là những biểu hiện bên ngoài của người đọc có tác dụng bổ sung cho ngữ điệu đọc. Nét mặt phải thể hiện được thái độ của người đọc đối với nội dung tác phẩm một cách tự nhiên. Đọc một câu chuyện vui nét mặt phải tươi sáng. Đọc một câu chuyện buồn nét mặt cũng biểu lộ sự đồng cảm. Ngoài ra việc thể hiện ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ còn thể hiện khả năng cảm thụ được các tác phẩm văn học. Đọc diễn cảm mang lại cho các em sự cảm thụ và cảm xúc về văn học giúp các em đến với nội dung bài một cách sâu sắc hơn, nhanh thuộc bài hơn. Qua đó các em thích thú tham gia vào quá trình học, cùng làm việc với nhau và có điều kiện để phát triển tư duy và ngôn ngữ cũng như tình cảm thẩm mĩ, đạo đức của mình.
Khả năng và mức độ cảm thụ của từng học sinh là khác nhau nên dẫn đến việc mỗi em sẽ có cách thể hiện cách đọc diễn cảm sáng tạo khác nhau. Với những em có năng lực đọc diễn cảm tốt, tôi khuyến khích các em có thể tự chọn đoạn văn mà mình thích để thể hiện cách đọc sáng tạo (nhắc các em đọc sao cho phù hợp với nội dung và giá trị nghệ thuật của bài).
Ví dụ: Bài Cánh diều tuổi thơ - Tạ Duy Anh (Tiếng Việt 4, tập1) giáo viên có thể hướng dẫn học sinh miêu tả lại bằng lời niềm vui sướng của trẻ thơ khi chơi trò chơi thả diều qua đoạn 1 của bài theo các bước sau:
Bước 1: Giáo viên nêu đoạn văn cần luyện đọc diễn cảm.
Tuổi thơ của tôi được nâng lên từ những cánh diều.
Chiều chiều, trên bãi thả, đám trẻ mục đồng chúng tôi hò hét nhau thả diều thi. Cánh diều mềm mại như cánh bướm. Chúng tôi vui sướng đến phát dại nhìn lên trời. Tiếng sáo diều vi vu trầm bổng. Sáo đơn, rồi sáo kép, sáo bè,...như gọi thấp xuống những vì sao sớm.
Bước 2: Hướng dẫn giọngđọc và một số từ ngữ cần được nhấn giọng (đọc với giọng vui, tha thiết, nhấn giọng những từ ngữ gợi tả, gợi cảm, thể hiện vẻ đẹp của cánh diều).
Bước 3: Giáo viên đọc mẫu.
Bước 4: Tổ chức cho HS đọc diễn cảm theo nhóm và thi đua trình bày.
Bước 5: Nhận xét - Biểu dương các nhóm đọc tốt, thể hiện đúng giọng đọc.
Để tiết Tập đọc đạt hiệu quả tôi cần chú ý cho học sinh đọc nhiều lần, học sinh nào cũng được đọc. Trong giờ học nên tuân theo nguyên tắc học sinh là chủ thể, giáo viên là người hướng dẫn tổ chức.Giáo viên chúng ta nên chú ý quan tâm đến học sinh yếu nhiều hơn. Rèn cho học sinh đọc từ thấp đến cao, ban đầu là phát âm đúng, đọc đúng tiếng, đúng tốc độ, ngắt nghỉ hơi đúng và nâng cao hơn là đọc diễn cảm bài văn, bài thơ.
* Khi dạy các bài thơ, bài văn có câu hỏi, câu cảm giáo viên cần hướng dẫn các em đọc đúng giọng của từng loại câu để thể hiện cảm xúc của nhân vật và của tác giả.
Ví dụ: Bài Chị em tôi - LiênHương (Tiếng Việt 4, tâp 1):
Mày tập văn nghệ ở rạp chiếu bóng à?Ủa,chị cũng ở đó sao? Hồi nãy chị bảo đi học nhóm mà! Tôi sẽ hướng dẫn học sinh đọc cao giọng ở cuối câu hỏi nhấn giọng ở những từ để hỏi. Hay câu: “Hồi nãy chị bảo đi học nhóm mà! ” đọc với giọng tinh nghịch, giả bộ ngây thơ.
* Đối với văn bản phi nghệ thuật:
Chúng ta cần hướng dẫn học sinh xác định giọng đọc sao cho phù hợp nội dung cần thông báo, làm rõ thông tin giúp người đọc tiếp nhận được vấn đề trong văn bản.
Ví dụ: Bài “Vẽ về cuộc sống an toàn” - Báo Đại Đoàn Kết (Tiếng Việt 4, tập 2) cần hướng dẫn học sinh đọc to, rõ ràng, rành mạch, dứt khoát giữa các câu, đoạn nhằm thể hiện đầy đủ nội dung của bản tin.
Để rèn kỹ năng đọc cho học sinh chúng ta cần hướng dẫn học sinh thực hiện các yêu cầu sau:
- Đọc phát âm đúng.
- Đọc ngắt nghỉ hơi theo dấu câu; ngắt nghỉ hơi đúng giữa các cụm từ ở những câu dài; Đọc to rõ ràng, trôi chảy, lưu loát; Biết đọc nhấn giọng, thay đổi sắc thái giọng đọc phù hợp với văn cảnh,lời nhân vật.
Ngoài ra, trong quá trình giảng dạy, để tiết Tập đọc đạt yêu cầu chúng ta cần tạo không khí sôi động như tổ chức cho các em đọc thi đua theo nhiều hình thức: đọc cá nhân, đọc nhóm,đọc theo vai,...; Có thể tổ chức đọc truyện cho các em nghe, cho các em nghe bang đĩa kể chuyện trong các tiết sinh hoạt ngoài giờ, sinh hoạt tập thể.
II.2. Tính mới, tính sáng tạo
II.2.1 Tính mới:
Học sinh chủ động lĩnh hội kiến thức, hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực và phẩm chất cần thiết.
II.2.2 Tính sáng tạo:
- Thay đổi phương pháp dạy học theo lối “truyền thụ một chiều” sang dạy cách học, cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất.
- Phát huy mọi khả năng của học sinh để tìm tòi, khám phá ra những nội dung mới của bài học.
- Giúp các em phát hiện ra tình huống có vấn đề và lập kế hoạch hợp lí để giải quyết tình huống các vấn đề đó.
- Quan tâm, chú ý đến mọi đối tượng học sinh, lên kế hoạch hàng tuần về việc phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi.
- Từng bước giúp HS tự giác học tập, biết nhận xét, đánh giá kết quả học tập của bạn, của bản thân.
II.3. Phạm vi ảnh hưởng, Khả năng áp dụng của sáng kiến
- Đề tài mà tôi nghiên cứu giúp cho mỗi GV có thể vận dụng để rèn đọc cho học sinh lớp 4, đồng thời áp dụng ở các phân môn của Tiếng Việt và các môn học khác.
II.4. Hiệu quả, lợi ích thu được của sáng kiến
a) Hiệu quả kinh tế:
Không tốn nhiều kinh phí trong các hoạt động chuyên môn tại các trường học.
Những gì có trong cuộc sống sẽ tự nhiên có trong vốn sống của học sinh. Mỗi tiết học là dịp để học sinh vận dụng kinh nghiệm của mình, hình thành những kiến thức mới, kĩ năng mới. Vì vậy, ngoài những thao tác nghe giảng, thực hành luyện tập ra học sinh còn được bộc lộ, phát triển tài năng, kinh nghiệm của bản thân qua tham gia các hoạt động học tập.
Các hoạt động được thực hiện trong tiết học, sau khi học sinh đã có kiến thức tổng hợp. Các hoạt động được tổ chức ngay trong không gian lớp học, tại thời gian của tiết học sẽ giúp học sinh hứng thú học tập. Thông qua các hoạt động học sinh được luyện tập cá nhân, luyện tập ngay trên lớp theo sự hướng dẫn của giáo viên. Nhờ các các hoạt động và các thủ pháp nhằm khắc sâu kiến thức.
Trong nhà trường nếu triển khai tốt các phương pháp trên thì hiệu quả kinh tế mang lại là rất lớn.
b) Hiệu quả về mặt xã hội:
- Giáo viên mạnh dạn thay đổi các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực vào bài dạy.
- Học sinh thì chủ động, tích cực lĩnh hội kiến thức mới.
- Nâng cao chất lượng các môn học trong nhà trường.
c) Giá trị làm lợi khác:
Góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong xu thế hội
nhập. Đảm bảo sự phát triển hài hoà về đức, trí, thể, mĩ, các kĩ năng cơ bản,
hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh.
Nhờ các hoạt động thực hành và dựa vào kiến thức thu được qua việc tổ chức các các hoạt động học sinh sẽ tích luỹ được những kĩ năng cần thiết phục vụ cho đời sống thực tiễn.
|
Hùng Tiến, ngày tháng 01 năm 2022
Người viết
Đào Thị Thúy
|